Từ ngày 10-8, Việt Nam chính thức ra mắt thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS) là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đó, các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có thể đăng ký giao dịch CKPS trên HNX bằng cách mở tài khoản ở những công ty chứng khoán (CTCK) được chấp thuận là thành viên giao dịch CKPS của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và HNX.
Đại diện HNX nhận định cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán cơ sở, nhu cầu phát triển những công cụ đầu tư mới như CKPS trở nên thiết thực, là bước tiếp theo để hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính - bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. Đồng thời, giúp cải thiện cơ sở đầu tư, thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, nhờ đó thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cơ sở.
Từ hôm nay (10-8), thị trường chứng khoán có thêm chứng khoán phái sinh Ảnh: Hoàng Triều
TS Nguyễn Sơn - Chủ tịch HĐQT VSD, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS - nhận định sản phẩm phái sinh rất hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Bởi lẽ, công cụ tài chính phái sinh không chỉ cho phép nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro mà còn có cơ hội sinh lời cao. Với các nhà đầu tư trong nước, có thể do chưa có kinh nghiệm về sản phẩm phái sinh nên khả năng nhận diện cũng như phòng ngừa rủi ro có thể hạn chế. Vì vậy, việc mất khả năng thanh toán có thể xảy ra nếu thiếu kỹ năng đầu tư cũng như quản lý rủi ro chưa tốt.
Để hạn chế rủi ro và an toàn cho thị trường, việc thanh toán giao dịch CKPS sẽ thực hiện theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, mà VSD sẽ là đơn vị bảo lãnh thanh toán cho thị trường thông qua cơ chế thế vị để trở thành người mua của mọi người bán và người bán của mọi người mua. Với cơ chế này, thành viên bù trừ sẽ có trách nhiệm trước VSD trong việc thực hiện thanh toán cho mọi giao dịch, vị thế đứng tên thành viên bù trừ, trong đó bao gồm giao dịch của nhà đầu tư. Vì vậy, phía thành viên bù trù cần lưu ý là trong quá trình vận hành phải hết sức cẩn trọng, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lựa chọn nhà đầu tư, nộp/rút ký quỹ, thanh toán hằng ngày theo quy định và hướng dẫn của VSD; thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường để phối hợp với VSD, HNX nhằm bảo đảm cho thị trường CKPS được vận hành an toàn và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Sơn, mặc dù đã lớn mạnh, với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 43,2% GDP năm 2016 và 56,4% GDP vào tháng 6-2017, hơn 3 lần so với năm 2010 và trên 2.000 lần so với khởi đầu nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn còn non trẻ, khả năng ứng phó với nhiều biến động liên quan đến giá hàng hóa, tỉ giá, lãi suất… còn yếu. Vì thế, việc xây dựng thị trường CKPS là một sự tất yếu, giúp đa dạng hóa kênh đầu tư và cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả.
VN-Index lập kỷ lục giá trị giao dịch
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9-8, VN-Index giảm đến 17,91 điểm, còn 733,66 điểm; HNX-Index trên sàn Hà Nội cũng giảm 1,22 điểm, còn 101,7 điểm. Đóng cửa, toàn thị trường có trên 350 mã giảm điểm, 160 mã tăng, còn lại 84 mã đứng giá.
Điều đáng chú ý là dù thị trường giảm mạnh nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mạnh tay mua vào, với tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đạt kỷ lục trong nhiều năm qua là hơn 6.300 tỉ đồng. Tuy vậy, nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng, mạnh nhất là với hai mã BID và VNM. Đó là lý do khiến VN-Index giảm sâu vì đây là 2 mã vốn hóa lớn, chủ lực của thị trường.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, nhận định nhiều khả năng khi vượt ngưỡng 790 điểm của VN-Index, một số nhà đầu tư tổ chức mong chờ sẽ có một cuộc giảm giá để mua lại cổ phiếu sau khi đã bán trước đó. Tuy nhiên, niềm tin vào thị trường của số đông nhà đầu tư vẫn lớn nên khó giảm. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn còn nhiều áp lực liên quan đến việc xử lý lãnh đạo các ngân hàng nhưng trong trung và dài hạn, thị trường vẫn theo xu hướng tăng điểm.