1. Mua nhà khi không chắc chắn về các kế hoạch tương lai
Những lời khuyên ví dụ như thuê nhà "giống như ném tiền qua cửa sổ" có thể khiến bạn muốn tìm ngay đến các nhà băng để vay tiền mua nhà sớm nhất có thể. Vấn đề là nhà khó thanh khoản, một khi muốn bán thì tốn kém và mất thời gian.
Nếu bạn bán ngay sau khi mua, bạn có thể chẳng thu đủ tiền để trả khoản nợ đã vay cùng các khoản phí. Để đảm bảo không tốn cả đống tiền vào các loại chi phí hoặc bị mắc kẹt với một căn nhà bạn không thực sự muốn, các chuyên gia khuyên rằng chỉ nên mua nhà khi bạn có kế hoạch ở đó 2 - 5 năm.
2. Mua nhà khi chưa sẵn sàng về tài chính
Nếu bạn đang chịu áp lực của việc sở hữu một căn nhà, có thể bạn sẽ quyết định mua ngay khi cho rằng mình đủ điều kiện để vay thế chấp. Vấn đề là điều này có thể trở thành thảm hoạ khi bạn chưa sẵn sàng về tài chính. Trước khi quyết định vay tiền để mua nhà, hãy đảm bảo rằng bạn có nguồn thu nhập ổn định để trả nợ hàng tháng.
Ngoài ra, bạn cũng cần lập một danh sách những điều cần làm trước khi mua nhà như một quỹ dành cho trường hợp khẩn cấp ít nhất bằng 6 tháng sinh hoạt phí. Một quỹ khẩn cấp như vậy có thể là cứu cánh khi bạn đã vay mua nhà và bị mất việc hoặc phải tốn khoản chi phí sửa chữa lớn.
3. Quyết định vay tại ngân hàng đầu tiên bạn tìm thấy
Để vay tiền từ ngân hàng, bạn phải nộp hàng đống giấy tờ tài chính, điền các đơn từ và thậm chí phải gặp cán bộ ngân hàng để thảo luận về các gói vay. Vì quy trình này đòi hỏi nhiều công sức và thời gian, nên nhiều người có xu hướng vay tiền từ ngân hàng đầu tiên duyệt khoản vay cho mình. Tuy nhiên, trên thực tế, có sự khác biệt rất lớn giữa điều khoản của các ngân hàng khác nhau. Để có được khoản vay tốt nhất, hãy nộp hồ sơ lên nhiều ngân hàng khác nhau và so sánh các lựa chọn, chú ý vào những chi tiết.
4. Vay tiền mua nhà nhưng không hiểu rõ các điều khoản
Nói về vay thế chấp, nhiều người không quên được những khoản vay dưới chuẩn dẫn đến khủng hoảng tài chính năm 2008. Những người mua nhà được duyệt vay thế chấp với các điều khoản phức tạp, thường với lãi suất ưu đãi thấp, cho phép họ mua những căn nhà quá đắt đỏ.
Cuối cùng, nhiều người bị tịch thu nhà. Đừng để rơi vào tình cảnh như vậy. Hãy tìm hiểu kỹ các điều khoản về lãi suất, khoản phải trả hàng tháng... Nếu không hiểu, đừng bao giờ đặt bút ký vay nợ.
5. Không kiểm tra kỹ căn nhà
Đừng bao giờ cho rằng căn nhà trong tình trạng tốt chỉ vì nó trông mới và đẹp đẽ. Có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề mà thoạt nhìn sẽ không thấy được. Trước khi ký mua nhà, hãy dành thời gian xem xét kỹ các vấn đề.
6. Không nhìn vào tổng chi phí của việc sở hữu nhà
Những người mua nhà lần đầu thường sai lầm khi cho rằng căn nhà nằm trong khả năng chi trả của mình nếu nhìn vào số tiền phải trả cho khoản vay hàng tháng. Không may là, đó không phải chi phí duy nhất. Một khi đã mua nhà, bạn sẽ phải trả các chi phí khác như duy trì, sửa chữa, bảo trì...Ước tính, chủ nhà phải trả khoảng 1% giá trị căn nhà cho việc sửa chữa mỗi năm.
7. Có thay đổi lớn về tài chính trước khi vay tiền mua nhà
Bạn đang suy nghĩ chuyển việc hoặc đầu tư vào đâu đó? Đừng làm điều đó khi bạn đang chuẩn bị mua nhà. Bất cứ sự thay đổi lớn nào về mặt tài chính sau khi được duyệt vay tiền mua nhà có thể khiến ngân hàng nghi vấn hoặc thậm chí có thể ảnh hưởng tới khả năng được phê duyệt. Hãy đảm bảo công việc và tài chính ổn định khi bắt đầu mua nhà và khi các hợp đồng vay nợ được ký kết.
8. Vay tiền trước khi nộp hồ sơ vay mua nhà
Các ngân hàng quyết định chấp thuận cấp khoản vay dựa trên tình trạng nợ nần của bạn vào thời điểm bạn nộp hồ sơ vay tiền. Nếu bạn đã có một hay nhiều khoản vay nợ trước khi nộp hồ sơ cho nhà băng, khả năng bị từ chối là rất lớn. Dù được chấp thuận, việc này cũng ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của bạn trong tương lai.
9. Mua căn nhà quá đắt
Nhiều người mua nhà lần đầu thường "cảm nắng" căn nhà và quyết định mua ngay dù vượt quá khả năng tài chính. Bạn có thể đưa ra nguỵ biện rằng giá trị căn nhà có thể tăng trong tương lai hoặc đây là nơi ở lâu dài... Tuy nhiên, nếu mua căn nhà quá đắt so với khả năng tài chính, bạn có thể sẽ chẳng còn tiền để mua sắm nội thất hoặc phải trả khoản vay và lãi suất mỗi tháng nhiều hơn, gây ra áp lực lớn hơn. Các chuyên gia khuyên rằng khoản trả nợ và lãi hàng tháng chỉ nên chiếm tối đa 30% thu nhập của bạn.