Nhiều người giàu cũng không biết cách quản lý tiền bạc và không ít đã mất tất cả. Vì vậy, họ cần các chuyên gia tư vấn để lập kế hoạch tài chính và chi tiêu. Trong những lời khuyên chuyên gia dành cho người giàu thì 5 lưu ý sau đây ai cũng có thể áp dụng.
Theo dõi chi tiêu
Cố vấn tài chính Henry Gorecki của HG Wealth Management nói rằng mặc dù người thu nhập cao có dòng tiền mạnh, họ vẫn cần theo dõi chi tiêu của bản thân. Theo đó, họ không nhất thiết phải ghi lại đã mua bao nhiêu ly cà phê tại Starbucks nhưng vẫn cần nắm rõ tiền của mình đã đi về đâu, nhất là những khoản chi lớn. Đối với người bình thường, việc này càng quan trọng.
"Đột nhiên, một kỳ nghỉ 10.000 USD hàng năm trở thành hai kỳ nghỉ 50.000 USD. Tôi cần phải có chiếc Bentley mới nhất bởi vì John ở câu lạc bộ đã có một chiếc và nó thật sự rất tuyệt", vị chuyên gia nêu ví dụ. Vì thế, dù bạn giàu hay không, việc để mắt đến chi tiêu nhằm không bị mất kiểm soát luôn cần thiết.
Biết tỷ lệ chi tiêu hợp lý hàng ngày
Huấn luyện viên tài chính kiêm nhà sáng lập Financial Impact - Holly Morphew nói rằng mọi người nên biết tỷ lệ chi tiêu hợp lý hàng ngày của bản thân. Hay nói cách khác, đó là số tiền mà bạn có thể tiêu tối đa trong một ngày, dựa trên thu nhập. Từ đó, bạn có thể xác định tỷ lệ hợp lý cho chi tiêu và tiết kiệm trong khoản tối đa đó.
Ví dụ, nếu bạn kiếm 300.000 USD mỗi năm, thực lãnh sau thuế là 210.000 USD thì chia cho 365 ngày, mỗi ngày bạn sẽ tiêu được tối đa 575 USD. Với số tiền này, bạn trừ đi các chi tiêu cố định như tiền nhà ở, hóa đơn hàng tháng thì sẽ còn lại số tiền dùng cho chi tiêu và tiết kiệm.
Biết tỷ lệ chi tiêu hợp lý hàng ngày sẽ giúp bạn tránh những chi tiêu thái quá. "Bạn sẽ phải làm việc bao nhiêu ngày để mua chiếc thuyền đó, thực hiện chuyến trượt tuyết bằng trực thăng đó... Bạn có thể sẽ thấy nó cuối cùng thực sự không đáng", vị chuyên gia nhận định.
Thiết lập mục tiêu tài chính
Khi bạn là người có thu nhập cao, thật dễ dàng để tin rằng cuộc sống tài chính sẽ đơn giản. Tuy nhiên, trong thực tế, kiếm được nhiều tiền không đảm bảo một tương lai giàu có nếu bạn không chi tiêu khoa học.
"Nghe có vẻ đơn giản, nhưng dành thời gian để quyết định các ưu tiên tài chính có thể có tác động ngay lập tức đến cách bạn chi tiêu", Ryan Inman - Cố vấn tài chính của Physician Wealth Services và Financial Residency, nói. Khi bạn biết các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đang hướng tới, bạn có thể sử dụng các mục tiêu đó để định hình ngân sách của mình.
Nếu bạn không chắc mục tiêu của mình là gì hoặc chúng nên là gì, có lẽ bạn nên gặp một cố vấn tài chính cá nhân để nhờ giúp đỡ.
Lập quỹ khẩn cấp
Tác giả quyển sách "Life & Debt"- Leslie H. Tayne nói rằng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế và các loại bảo hiểm) chắc chắn có thể giúp bạn tăng tiền tiết kiệm nhanh hơn, nhưng vẫn rất quan trọng để xây dựng quỹ khẩn cấp. Đó là bởi vì bạn không thể đảm bảo thu nhập cao của mình sẽ duy trì mãi mãi và bạn cần phải có "kế hoạch B."
Ngay cả khi cảm giác như thời gian tốt đẹp sẽ kéo dài mãi mãi, những người thông minh vẫn sẽ có một khoản tiết kiệm đề phòng khi bất trắc.
Phân chia ngân sách phù hợp lối sống
Việc chọn cách phân chia ngân sách phù hợp với lối sống của bạn là chìa khóa cho sự thịnh vượng tài chính dài hạn, theo nhà hoạch định tài chính R.J. Weiss của The Ways to Wealth.
Thông thường, cách phân chia ngân sách phổ biến nhất là 50/30/20. Trong đó, 50% dành cho các chi phí cố định như nhà cửa, hóa đơn hàng tháng, nhu yếu phẩm và chăm sóc trẻ em. 30% dành cho các chi tiêu như đi du lịch, giải trí, ăn ngoài. 20% dành để tiết kiệm, trả nợ nếu có. Tùy theo lối sống của mỗi người, cách phân chia có thể được điều chỉnh dựa trên khung căn bản này.