Giống như phở, hủ tiếu, các quán bánh canh đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn và đa dạng về quy mô. Rất nhiều quán bánh canh dù nhỏ, thậm chí nằm sâu trong hẻm, nhưng vẫn luôn đông khách.
Vốn dù ít hay nhiều vẫn luôn là yếu tố đầu tiên để người kinh doanh quyết định quy mô của quán.
Theo chị Thanh, chủ quán bánh canh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I với quán quy mô nhỏ, 20-30 triệu đồng là có thể mở được.
“Khi bắt đầu kinh doanh không nhất thiết phải mở quán lớn mới đắt khách. Quán của tôi chỉ tận dụng hơn 10m2 lề đường nhưng mỗi ngày cũng có hàng trăm khách ghé, chưa kể khách mua mang đi” - chị Thanh nói.
Ban đầu với số vốn nhỏ, có thể bỏ ra khoảng 3-5 triệu đồng thuê mặt bằng nhỏ ở mặt tiền những tuyến đường đông khách, cùng một xe đẩy đựng hàng khoảng 1-3 triệu đồng để chưng bày đồ ăn. Ngoài ra, nên dành 3-5 triệu đồng để mua các đồ dùng phục vụ cho nhu cầu ăn uống của khách hàng. Số tiền còn lại dùng để trả tiền nguyên liệu.
Ưu điểm của quán bánh canh là khách trả tiền ngay nên chỉ cần hết ngày chủ quán có thể thu lại được một phần vốn. Giá bánh canh ở quán chị Thanh từ 20.000 đến 25.000 đồng một tô, mỗi ngày chị dùng số tiền thu về này để xoay vòng cho ngày tiếp theo. Do vậy, ngoài việc lên danh sách chi phí các hạng mục hợp lý, người kinh doanh phải dự tính được doanh thu tạo ra có thể bù đắp những khoản chi phí này.
Đưa ra mục tiêu, nếu lượng khách đến mua đông, bao nhiêu tháng có thể lấy lại vốn. Còn nếu khách không như mong muốn thì cần có phương án thay đổi để khi gặp khó khăn dễ dàng vượt qua.
Ngoài vốn, địa điểm kinh doanh cũng là yếu tố then chốt, không phải đặt hàng quán chỗ nào cũng “ăn nên làm ra”.
Theo chia sẻ của một chủ quán bánh canh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP HCM), đối với những quán bánh canh nhỏ nên chọn những địa điểm gần xí nghiệp, cơ quan, đặc biệt là các trường trung học cơ sở, trường đại học. Đây là những nơi dễ có khách hàng nhất.
Đối với những khách hàng là học sinh, sinh viên, họ rất muốn ăn những quán đơn giản, giá cả thấp, tiện trên đường đi. Nếu chỉ một khách ưng ý, họ có thể kéo thêm được vài chục khách hàng đến quán những lần tiếp theo mà chủ quán không hề mất chi phí quảng cáo.
Giá bán ở những quán nhỏ kiểu này trung bình từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng một tô, tùy theo yêu cầu của khách.
Nguyên liệu tươi ngon là một trong 3 nhân tố quyết định lượng tới quán. Bởi lẽ, những quán vốn nhỏ không có lợi thế về không gian nên việc chọn nguyên liệu ngon và chế biến hấp dẫn là điểm cộng để khách thường xuyên ghé quán.
Chủ quán trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chia sẻ, về nguyên liệu bánh canh, chị thường đặt tại những xưởng chế biến lớn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn xương để làm nước lèo chị thường đặt hàng ở chợ Bà Chiểu. Tôm, thịt, chả cá cũng đặt mối riêng ở chợ này. Nhờ có mối riêng như thế mà nguyên liệu chị lấy để chế biến luôn tươi, chất lượng mà giá rẻ hơn so với bình thường.
Cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu rõ ràng. Theo chị Thanh, đối với những quán có quy mô nhỏ, lại nằm trên các tuyến đường đông người qua lại, đối tượng khách hàng mục tiêu của những quán này là khách bình dân, nhân viên văn phòng và học sinh sinh viên. Do vậy, chế biến món ăn ngoài ngon còn phải thật gọn gàng và tiện lợi. Chủ quán nên sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết để người mua có thể mang đi.
Để làm hài lòng khách hàng, nhân sự phù hợp cũng là yếu tố tích cực cho sự thành công. Cần tuyển một đến 2 nhân viên, tính cách vui vẻ, biết ứng xử linh hoạt trước khách hàng. Thông thường, chủ các quán ăn nhỏ ở TP HCM hay chọn người nhà làm phục vụ, nếu không có họ thường liên hệ với các sinh viên để thỏa thuận làm việc bán thời gian.
Tuy không có được vẻ sang trọng như các nhà hàng, quán cà phê, nhưng nhìn chung mức lương ở các quán ăn nhỏ nhỉnh hơn so với nơi khác. Hơn nữa, không phải sinh viên nào cũng tìm được việc làm ở những nơi sang trọng.