Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple thông báo: “Chúng tôi cho rằng công nhân ở bất cứ nơi đâu cũng phải có quyền bình đẳng như nhau. Do vậy, chúng tôi đã đề nghị FLA tham gia vào kiểm tra chất lượng làm việc ở nhà máy của Foxconn. Các cuộc kiểm tra sẽ được tiến hành mà không có bất cứ thông báo nào. Chúng tôi hoan nghênh việc FLA chấp nhận tham gia vào cuộc kiểm tra để xác nhận thông tin từ những bản báo cáo đưa ra”.
Hồi tháng trước, Apple đã chấp nhận cho FLA kiểm tra chuỗi cung ứng sản phẩm của hãng này tại nhà máy Foxconn, sử dụng tới hơn 1 triệu công nhân tại Thâm Quyến và Thành Đô, sau khi phát hiện có những nhân công chưa đạt tới tuổi lao động.
Theo Apple, FLA sẽ tiến hành các cuộc “phỏng vấn với hàng chục nghìn nhân viên vê điều kiện ăn ở và làm việc, bao gồm cả những tiêu chuẩn về sức khỏe, giờ làm việc, quan hệ với ban quản lý nhà máy. Ngoài ra, các đội kiểm tra của FLA cũng sẽ theo dõi những khu vực như nơi sản xuất, khu ăn nghỉ ở nhà máy của hãng Foxcoon trước khi đưa ra bản báo cáo cuối cùng”.
Trong thời gian qua, đã có nhiều phương tiện truyền thông ở Mỹ đưa ra các thông tin hay báo cáo về nạn bóc lột nhân công tại nhà máy của Foxconn, trong đó khẳng định nhà máy Foxconn thuê cả những công nhân chỉ 13 tuổi và làm việc 16 tiếng/ngày, với điều kiện làm việc hết sức tồi tệ.
Tờ New York Times cho hay, tháng 7/2009, một công nhân 25 tuổi ở nhà máy của Foxconn đã tự sát sau khi đánh mất một mẫu iPhone. Năm 2010 cũng liên tiếp xảy ra các vụ tự sát khác và Foxconn đã phải lắp đặt lưới để tránh công nhân nhảy từ trên cao xuống đất. Năm ngoái, đã có 2 vụ nổ ở nhà máy sản xuất iPad, giết chết 4 người và làm bị thương 7 người.
Một số ý kiến cho rằng việc Apple áp mức giá lao động quá thấp đã khiến các công ty gia công sản phẩm cho họ phải "bóc lột" công nhân như vậy thì mới đảm bảo thu được lãi. Tuần trước, đã có 250.000 ký vào một thỉnh nguyên thư trên trang fairlabour.org đề nghị Apple phải đảm bảo lợi ích cho người lao động.