Cuộc biểu tình mới nhất này diễn ra chỉ một tháng sau khi Foxconn và Apple vừa công bố một bản thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc cải thiện các điều kiện làm việc trong các nhà máy của Foxconn. Hiện tại, Foxconn sử dụng khoảng 1,2 triệu công nhân ở Trung Quốc chuyên lắp ráp các sản phẩm đình đám mang thương hiệu "Quả táo" như iPhone, iPad...
Trung tâm Thông tin về các quyền con người tại Hong Kong khẳng định cuộc biểu tình trên liên quan đến khoảng 200 công nhân.
Một phát ngôn viên của tập đoàn Hồng Hải, công ty "mẹ" của Foxconn cho biết sự việc này không phải là một cuộc đình công và nó liên quan đến các quyết định thuyên chuyển nơi làm việc. Theo đó, những công nhân tham gia biểu tình là nhóm công nhân mới đến nhà máy và bất bình vì bị chuyển đến chỗ làm khác.
"Cuộc tranh cãi đã được dàn xếp sau một vài cuộc thương lượng có sự tham gia của các bộ phận quản trị nhân lực, các cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương", phát ngôn viên Simon Tsing tuyên bố.
Foxconn, công ty tư nhân có quy mô lớn nhất Trung Quốc và Apple đã đồng ý bắt tay nhau để giải quyết các hành vi vi phạm điều kiện lao động và cải thiện môi trường làm việc tại các nhà máy gia công và lắp ráp sản phẩm của Apple.
Thỏa thuận này được kí kết gần hai năm sau khi diễn ra một loạt các vụ tự tử của công nhân làm việc tại các nhà máy Foxconn. "Làn sóng" tự tử chưa có dấu hiệu dừng lại này đã nhanh chóng gây sự chú ý của dư luận trên khắp thế giới vào các điều kiện làm việc tại các nhà máy Trung Quốc và làm dấy lên những lời chỉ trích cho rằng các sản phẩm của Apple được xây dựng trên lưng của những công nhân Trung Quốc bị ngược đãi.
Hồi đầu tuần trước, Apple đã công bố bản báo cáo doanh thu của quý 2 trong năm tài khóa của mình. Theo đó, thu nhập ròng của Apple gần như tăng gấp đôi nhờ sự "bùng nổ" doanh số bán hàng iPhone.
Người đại diện của Foxconn, Simon Tsing từ chối cho biết có bao nhiêu công nhân tham gia vào cuộc biểu tình này nhưng ông khẳng định hiện chưa có ai bị thương hay nhảy lầu tự tử như lời đe dọa.
Trung tâm Thông tin vì quyền con người cho biết một trong những lời than phiền của các công nhân là mức lương mà họ kiếm được tại Vũ Hán thấp hơn mức lương mà họ kiếm được với những vị trí công việc trước đó. Số công nhân này đã quay lại làm việc bình thường sau khi cảnh sát can thiệp.
Các cuộc biểu tình trên quy mô toàn cầu chống lại Apple đã tăng lên sau khi giới truyền thông, đặc biệt là nhiều ấn phẩm báo chí tên tuổi trên thế giới đồng loạt đưa tin về "làn sóng" tự tử diễn ra tại các nhà máy của Foxconn ở miền nam Trung Quốc. Apple đã đồng ý cho Tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền của người lao động (FLA) tiến hành một cuộc điều tra độc lập nhằm ngăn chặn những lời chỉ trích rằng các sản phẩm của hãng được xây dựng trong những điều kiện giống như bóc lột.