Trong một bài viết đăng trên trang mạng Roads & Kingdoms, tựa Vì sao một quả dưa có giá bằng một chiếc xe hơi? (Why should a melon cost as much as a car?), Bianca Bosker – nhà báo và là tác giả của nhiều đầu sách về du lịch – ẩm thực, đã đưa ra lời giải thích.
Cặp dưa gang này có giá lên đến 31.500 Yên!
Bianca Bosker kể một bữa ăn mà cô được mời cách đây vài năm tại một nhà hàng ở Tokyo. Đó là nhà hàng như Bianca Bosker mô tả "phục vụ nhiều món ăn hơn số thực khách, nơi tôi đã ăn với một thực đơn được tuyển chọn nhiều món mà tôi không thể gọi tên với những giống loài mà tôi chẳng biết sự tồn tại của chúng, và được chuẩn bị bởi một đầu bếp lịch lãm, múa dao như động tác múa ballet hơn là nấu ăn".
Khi đầu bếp dọn món tráng miệng, Bianca Bosker thấy trên đĩa của mình chỉ có một lát dâu tây (strawberry) thay vì một hay vài quả. Nhưng khi "cắn lát dâu đó, tôi có cảm giác như đang lần đầu tiên biết được sắc màu. Lát dâu đó có mùi thơm, như mùi của hoa hồng, mật ong và một nụ hôn… Lát dâu đó đến từ đâu? Điều gì làm nó đặc biệt như vậy? Tại sao chỉ có một lát?".
Cửa hàng trung tâm Sembikiya tại Tokyo và rồi Bosker đã khám phá những điều lạ lùng không chỉ ở trái dâu mà còn nhiều thứ hoa quả khác ở nước Nhật. Trong một cửa hàng ở Tokyo, cô đã nhìn thấy những hộp đựng dâu bọc vải thun, có giá 5 USD/hộp nhưng đã có những hộp dâu được người Nhật trả giá tới 500 USD! Và không chỉ trái dâu mới có giá kinh khủng thế.
Sau đó, trong đường hầm tàu điện ngầm Bianca Bosker đã mua một chùm nho không tới chục quả với giá 12 USD, nghĩa là đã quá đắt so với giá nho tại Mỹ hay châu Âu, thế nhưng vào ngày 7/7/2016 tại một cuộc đấu giá trái cây tại phiên đấu giá đầu tiên trong năm của chợ bán sỉ thành phố Kanazawa (thuộc tỉnh Ishikawa trên đảo Honshu), một chùm nho giống Ruby Roman – một trong những thứ trái cây đắt nhất ở Nhật đã được bán với giá 1,1 triệu yen (10.900 USD).
Nho Ruby Roman được trồng ở Ishikawa đã trên 14 năm, đặc điểm của giống nho này là trái rất lớn với lượng đường rất cao (18%) và chỉ hái đưa ra thị trường khi mỗi trái nho có trọng lượng tối thiểu 20gr. Chưa hết, theo thông tin của nhật báo The Japan Times, tại phiên đấu giá ngày 13-4-2015 ở chợ bán sỉ của thành phố Miyazaki (thuộc tỉnh cùng tên trên đảo Kyushu), hai quả xoài đỏ có tên "Taiyo no Tamago" (Trứng của Mặt trời) đã được bán với giá kỷ lục 300.000 yen (2.495 USD).
Ông Takamaru Konishi, chủ một siêu thị tại tỉnh Hyogo (trên đảo Honshu) đã mua chùm nho giá 10.900 USD, mà theo ông để mời khách hàng của mình nếm thử miễn phí Song những cái giá kinh khủng đó vẫn chưa ăn thua, khi mà Bosker biết được thông tin về "ông vua trái cây" ở Nhật: dưa lưới (muskmelon). Một cặp quả cầu có lớp vỏ cứng đan thành mắt lưới, chứa "sự ngọt ngào tan chảy" bên trong đã được bán đấu giá tại thành phố Yubari trên đảo Hokkaido ngày 29/3/2017 với giá 27.000 USD, nghĩa là bằng giá bán ở Mỹ một chiếc Toyota Camry hay Honda Accord đời mới. Đây cũng là giá cao nhất đối với tất cả các loại hoa quả trên thế giới chứ không riêng gì ở xứ Phù Tang.
Dưa lưới Yubari loại thường đã hiếm, có giá vào khoảng 50-100 USD/quả, đã quá cao so với giá dưa lưới ở nhiều nước. Còn hai trái dưa có giá 13.500 USD/quả thuộc giống "Vua Yubari", được lai tạo từ hai giống dưa chỉ trồng được ở vùng Yubari của đảo Hokkaido mà theo những chuyên gia về trái cây thì vị ngọt của "Vua Yubari" không có thứ trái cây nào trên đời này sánh được.
Tại sao trái cây lại có giá cao khủng khiếp thế, tại sao? "Hỏi thế giống như hỏi người Mỹ "Tại sao bạn lại đập tay vậy? (high-five – động tác hai người cùng xòe bàn tay rồi vỗ vào nhau như một lời chào mừng hay chúc mừng, thường thấy ở Mỹ), một người bạn Nhật của tôi bảo thế khi tôi đi tìm câu trả lời", Bosker nói. Người bạn Nhật của cô còn bảo rằng "Chúng tôi không bao giờ hỏi vì sao trái cây lại đắt như thế cả".
Rồi Bosker cũng tìm được câu trả lời cho chính mình sau khi nhận được nhiều cách lý giải khác. Hóa ra, nỗi ám ảnh đối với các loại trái cây cực kỳ đắt tiền bắt nguồn từ Sembikiya, chuỗi cửa hàng bán trái cây lớn nhất và lâu đời nhất tại Nhật, ra đời vào năm 1834.
Trong một chuyến đi Nhật vào mùa thu năm 2016, Bosker đã đến cửa hàng trung tâm của Sembikiya tại Nihonbashi ở khu downtown của Tokyo, nơi tọa lạc nhiều khách sạn sang trọng, các cửa hàng đồ mỹ nghệ cao cấp… Ở đó, trái cây được trưng bày như đồ nữ trang, nhân viên nữ trong đồng phục và nón bêrê màu đen sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Ở đó, một quả lê có giá 19 USD, một trái táo Sekai có giá 24 USD.
Ở đó những phụ nữ trung niên đeo túi Chanel săm soi những chùm nho Seto chín mọng, đẹp như những viên ngọc bích trong khi các đấng phu quân của họ trầm trồ trước những trái dưa lưới, được bày ở vị trí trung tâm của cửa hàng, mỗi trái được đặt trong một hộp gỗ lót giấy màu, giá mỗi quả 125 USD. Các loại trái cây đều có ghi chú, diễn giải hương vị của chúng. Chẳng hạn với nho Suiho: "Vỏ mỏng, ruột chắc vừa phải và không hạt" và khi ăn cảm nhận được "vị ngọt và mùi hương tinh tế, cùng với dư vị tươi mát".
Hai quả xoài này có giá gần 2.500 USD
Một nhân viên bán hàng cho Bosker biết có khoảng 80% khách hàng mua trái cây của Sembikiya để biếu, tặng. Cửa hàng đông khách nhất là vào tháng Bảy mà theo truyền thống của người Nhật đây là dịp giữa năm để tặng, biếu quà cho những người mà mình chịu ơn, có thể đó là các sếp hay các khách hàng quan trọng của công ty, các thầy cô giáo, bác sĩ và các đấng sinh thành; và vào tháng Chạp, dịp cuối năm với mục đích tương tự. Khi đó, Sembikiya có thể bán ra 200 trái dưa lưới mỗi ngày.
Ông Tsuyoshi Monozumi, người quản lý 16 cửa hàng Sembikiya khắp đất nước Nhật giải thích thêm lý do khiến nhiều thứ trái cây ở Nhật khi đấu giá được mua với những món tiền rất lớn; đó là bởi người Nhật coi trọng hàng đầu phẩm chất của trái cây, nhất là những loại quý hiếm, được trồng và chăm sóc đặc biệt. Thế nhưng câu trả lời đó vẫn chưa đầy đủ.
Phải chăng đây là lời giải thích rõ nhất: theo Eric Rath, giáo sư về lịch sử Nhật Bản cận đại và là tác giả một quyển sách về thuật bếp núc của người Nhật, vào thời kỳ các sứ quân Tokugawa (1603-1867), các doanh nhân giàu có lúc đó đua nhau ngã giá để mua cho được những sản phẩm đầu vụ, có thể đó là mẻ cá ngừ đại dương vừa đánh bắt được hay lứa nho đầu mùa mới thu hoạch. Trong ngôn ngữ Nhật, đó là nghi thức hashiri. Theo đó, những sản phẩm đầu vụ bao giờ cũng ngon hơn hẳn thứ được thu hoạch về sau.
Và giáo sư Eric Rath khẳng định: "tập tục đã có hàng thế kỷ" đó vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay. Những quả dưa lưới có giá hàng chục ngàn USD, chùm nho hay quả xoài giá cả ngàn USD tại các phiên đấu giá đầu vụ đều là hashiri. Thêm nữa, từ xa xưa trái cây còn đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong các nghi thức biếu tặng tại Nhật. Các samurai đã biếu các sứ quân những loại quả quý như dưa lưới để biểu thị lòng trung thành, trong khi các nông dân tặng hoa quả và các sản phẩm do họ trồng tỉa cho người láng giềng để nhận được sự quý trọng, yêu mến và sự giúp đỡ họ trong công việc đồng áng.
Nói cách khác, theo như giáo sư Eric Rath thì "tặng trái cây biểu thị sự mong đợi lời đáp tạ cho công việc của một người nào đó". Và theo ông Monozumi thì giá càng cao càng kích thích người mua!