Saigon Tex 2015 thu hút 655 nhà triển lãm từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ: Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Macau, Malaysia, Pakistan, Singapore, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Mỹ, Việt Nam...; tăng 15% về quy mô diện tích và gần 15% về số lượng so với năm 2014.
Hai lĩnh vực chính trưng bày tại triển lãm là máy móc và phụ kiện ngành dệt may. Năm nay, cả 2 lĩnh vực đều cân bằng nhau về số lượng công ty tham gia. Ngành vải và phụ kiện may mặc tăng trưởng mạnh, gần 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với ngành máy móc dệt may, mức tăng trưởng là 13,4%.
Năm 2014, ngành dệt may Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 24 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2013. Theo các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam sẽ hoàn toàn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 28 tỉ USD vào năm 2015. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh đàm phán hiệp định TPP, coi dệt may là một trong những ngành ưu tiên hàng đầu. Sự tăng trưởng của Saigon Tex 2015 cả số lượng và chất lượng đánh dấu một dấu hiệu quan trọng trong con đường dẫn đến Hiệp định TPP - khi cả nhà cung cấp (từ nguyên liệu đến máy móc) và người mua địa phương Việt Nam (từ nhà máy dệt đến nhà máy sản xuất hàng may mặc) đều đang rất mong chờ thỏa thuận này được ký và cũng đang có những bước chuẩn bị sẵn sàng khi hiệp định này được thực thi. Trong khuôn khổ triển lãm, đã diễn ra các cuộc hội thảo chuyên đề được quan tâm như: Các bước chuẩn bị của doanh nghiệp dệt may khi Hiệp định TPP được áp dụng; hiểu rõ hơn về quy định xuất xứ hàng dệt may xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm; mô hình LEAN trong ngành dệt may...
N.Minh