Việc “chung chi” cho “bảo kê” để xếp tài, phân khu bến bãi trong cạnh tranh dịch vụ xe ôm tại cửa ngõ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN) TP HCM dẫn đến những lộn xộn, gây mất an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.
Chiếm bến bãi, xử xe lạ...
Lực lượng xe ôm là một trong những nhóm cá thể kinh doanh đông đúc và phức tạp tại cửa ngõ sân bay TSN. Khu vực đối diện phía đầu đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình) và một trạm xăng gần cửa vào sân bay được ghi nhận là điểm “nóng” với lực lượng xe ôm ngồi quan sát tình hình xung quanh, chủ động báo cho tốp xe ôm trước cổng thu phí rút ngay nếu thấy bóng dáng công an.
Một tài xế hoạt động tại khu vực sân bay cho biết quanh khu vực này có khoảng 100 tài xế xe ôm hoạt động chia làm 2 ca/ngày. Theo đó, 50 tài xế sẽ hoạt động ban ngày và 50 người còn lại hoạt động vào ban đêm. Trong quá trình hoạt động cũng có thể chủ động đổi ca cho nhau và hoạt động đều đặn hằng ngày. Tiền chạy xe sẽ phải trích ra chung chi từ 10.000-20.000 đồng/cuốc xe. Có “bảo kê” thì mới được hoạt động tại địa bàn. Nhờ có đóng phí “bảo kê” nên “các đại ca” cũng cho phép, thấy xe lạ vào giành khách thì cứ thẳng tay xử...
Người tiêu dùng thiệt, doanh nghiệp than trời!
Chỉ trong vòng vài tháng qua, đã có hơn 20 vụ các tài xế hợp tác vận chuyển, đón khách theo đặt hàng từ ứng dụng điện thoại thông minh đã bị tài xế xe ôm hoạt động tại khu vực sân bay TSN hành hung vô lý, từ hăm dọa, đến đánh, cướp mũ bảo hiểm, phá xe...
Tài xế xe ôm N.V.G (35 tuổi) cho hay gần đây, có nhiều khách đặt loại “xe ôm” GrabBike mới vào sân bay đón do có giá rẻ hơn so với xe ôm thông thường nên bị mất khách. “Đất có thổ công, sông có hà bá, gặp tài xế nào của Grab bén mảng tới sân bay đón khách là... đuổi luôn không cần nói nhiều”!
Trên thực tế, các hãng taxi, xe gắn máy chở khách có thương hiệu đều bị quản lý tư cách pháp nhân theo đăng ký tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tuân thủ các quy định của Nghị định 86 về Luật Vận chuyển hành khách đường bộ với giấy phép do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Tuy nhiên, tại khu vực có “bảo kê”, các doanh nghiệp này đang bị coi là những “kẻ xâm chiếm trái phép” khi đối mặt với các nhóm “xe ôm truyền thống”, taxi “dù”. Cùng với doanh nghiệp, đối tượng thiệt hại nhất chính là người tiêu dùng vì không có cơ hội chọn lựa dịch vụ rẻ, văn minh.
Cần quy hoạch cụ thể
Ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế TSN, kiêm Giám đốc Trung tâm An ninh Hàng không - cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng an ninh sân bay đã phát hiện và xử lý hơn 50 trường hợp tài xế taxi và xe ôm chèo kéo khách trong khu vực sân bay và đã chuyển hồ sơ đến Công an phường 2, quận Tân Bình giải quyết.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng không Miền Nam, để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại khu vực sân bay TSN, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng liên quan về quản lý an ninh trật tự thì vấn đề quy hoạch, tổ chức và sắp xếp lại các đơn vị vận tải tham gia vào việc đưa đón khách tại sân bay mới là mấu chốt.
Đối với lực lượng xe ôm, cần có sự quản lý, giám sát theo đăng ký, thành lập nghiệp đoàn để quản lý tốt hơn; đưa hoạt động vào nền nếp, quy củ. Việc quy hoạch cho các dịch vụ xe công nghệ dựa trên ứng dụng điện thoại thông minh phát huy thế mạnh cũng rất cần thiết; để cung ứng, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại bằng dịch vụ vận chuyển mới, hiện đại, nhanh chóng, tiết kiệm; bảo đảm tình hình an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị.