Công ty Truyền tải điện 4 (PTC4) hiện quản lý vận hành hơn 6.383 km đường dây, 45 trạm biến áp với tổng công suất 28.665 MVA, lưới điện truyền tải từ 220 KV đến 500 KV trên phạm vi 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Việc bảo vệ an toàn lưới điện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị này.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo PTC4, tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp dẫn đến nguy cơ sự cố lưới điện trên toàn hệ thống đang là vấn đề rất đáng lo ngại.
Cụ thể, các tuyến đường dây thuộc khu vực ĐBSCL đi qua nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cùng với mật độ lưu thông của các phương tiện tàu, bè, sà lan, xáng cạp dày đặc nhưng người điều khiển phương tiện thường chủ quan, không thực hiện theo bảng cảnh báo an toàn điện dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn, gây sự cố cho lưới điện quốc gia.
Trong khi đó, một số khu vực tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai thường xảy ra tình trạng một số người dân đốt ong trong vườn tràm, đốt nương rẫy hoa màu sau mỗi vụ thu hoạch, nhất là những rẫy mía trồng gần và trong hành lang lưới điện cao áp. Thêm vào đó, một số hộ dân trồng cây cao su, cây ăn trái do không chặt tỉa, các cành cây phát triển cao có nguy cơ ngã đổ vướng vào đường dây cao thế trong mùa mưa bão. Ngoài ra, một số công trình, nhà xưởng xây dựng bằng vật liệu dễ cháy; các cơ sở kinh doanh phế liệu, đốt phế liệu tại nhà gây cháy, nổ, lửa bốc lên cao khiến đường dây truyền tải điện bị gián đoạn, tê liệt. Đặc biệt, nhiều trường hợp điều khiển xe cần cẩu, xe gàu thi công, san lấp mặt bằng gần và trong hành lang đường dây, vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện.
Ngoài những nguyên nhân trên, theo PTC4, nguy cơ dẫn đến sự cố lưới điện còn do tình trạng trẻ em tụ tập thả diều tại các đồng trống gần hành lang đường dây sẽ dễ xảy ra vật bay vướng vào đường dây điện; việc dựng ăng-ten, giàn giáo, lắp biển quảng cáo quá cao sẽ vi phạm khoảng cách an toàn điện, phóng điện gây sự cố.
Ngành điện cảnh báo
Để bảo đảm an toàn và ổn định lưới điện cao áp, ngoài các giải pháp kỹ thuật, bảo vệ an ninh hệ thống, cần phải làm tốt công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Do vậy, lãnh đạo PTC4 đã chỉ đạo và triển khai đến các đơn vị truyền tải trực thuộc chú trọng công tác tuyên truyền, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp ngăn ngừa nguy cơ gây sự cố vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Cụ thể là phối hợp với chính quyền địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng, tổ chức các hội nghị tuyên truyền “An toàn điện và phòng chống cháy hành lang”, hội nghị “Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp”,… Song song đó, đưa ra nhiều cảnh báo đến người dân, các chủ phương tiện tham gia giao thông hoặc đang thi công gần và trong hành lang an toàn lưới điện cao áp. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Điện lực cho người dân, trong đó chú trọng phổ biến các hành vi bị nghiêm cấm, như trộm cắp hoặc tháo dỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện, trèo lên cột điện, vào trạm điện; thả diều, vật bay, điều khiển phương tiện bay gần công trình lưới điện; bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện; đào đất gây lún sụt công trình lưới điện, trạm điện; sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều quán; đốt nương rẫy, để cây đổ vào đường dây khi chặt cây, tỉa cành; sử dụng các phương tiện thi công gây sự cố lưới điện, trạm điện và nhà máy điện.
Theo PTC4, việc bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cần có sự chung tay của cả cộng đồng và ý thức của mỗi người dân nhằm bảo vệ con người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Một số quy định về khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp
Căn cứ khoản 3, điều 10, chương 2 Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26-2-2014:
- Khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đối với đường dây 220 KV là 6 m, đối với đường dây 500 KV là 8 m.
- Khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện khi dây ở trạng thái võng cực đại đến điểm cao nhất của đối tượng được bảo vệ quy định như sau:
• Đến điểm cao nhất (4,5 m) của phương tiện giao thông đường bộ là 3,5 m đối với đường dây 220 KV và 5,5 m đối với đường dây 500 KV.
• Đến chiều cao tĩnh không theo cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa là 3 m đối với đường dây 220 KV và 4,5 m đối với đường dây 500 KV.
Căn cứ điểm b, khoản 4, điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực: quy định mức xử phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng khi điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp.