Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc điều hành FPT, cho biết theo Thông tư 18 /TT- BTTTT/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cứ mỗi lô hàng nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) lại phải xin phép 1 lần. Mỗi năm FPT nhập 1.000 lô hàng là 1.000 lần xin phép, mỗi lần chờ cấp phép là 7 ngày.
Bộ hồ sơ nặng vài ký giấy tờ
Do đó, từ năm 2016, thời gian lưu kho hàng hóa của FPT tăng lên 1 tuần so với trước, gây thiệt hại rất lớn vì giá trị hàng nhập khẩu của FPT hằng năm khoảng 1 tỉ USD. Ngoài ra, DN cũng thiệt hại về thời gian và chi phí khi phải tuân thủ quy định về hợp chuẩn quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng đối với máy in, màn hình laptop nhập khẩu từ châu Âu... Mặc dù quy định chuẩn của Việt Nam đang thấp hơn chuẩn của châu Âu nhưng mỗi năm FPT có tới 500 lần làm thủ tục như thế với chi phí 1,6 triệu đồng/lần.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất HDH Việt Nam cho biết thủ tục cấp phép nhập khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử viễn thông rất rườm rà. Mỗi giấy phép phải chờ 30 ngày, mỗi bộ hồ sơ nặng vài ký, gồm các giấy tờ giống hệt nhau.
Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng này là do cơ quan kiểm tra chuyên ngành không thừa nhận kết quả của nhau. Ví dụ DN nhập khẩu thức ăn chăn nuôi phải đến 2 “cửa”. Nếu thức ăn cho cá thì phải đăng ký kiểm tra chuyên ngành với Tổng cục Thủy sản, còn nếu là thức ăn cho gia súc thì đăng ký với Cục Thú y. Quy định này gây tốn kém chi phí, thời gian của DN, cần tập hợp lại cơ chế “một cửa” theo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian chi phí cho DN.
Mong chờ đột phá
Thực trạng này, cơ quan quản lý đã nắm rõ nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), cho biết hiện có tới 362 văn bản quy định về thủ tục thông quan với nhiều sự chồng chéo. Số lượng hàng hóa qua cửa khẩu ngày càng tăng cao nhưng thời gian thông quan quá lâu. “Năm nào cũng vậy cứ đến dịp Tết là sữa, kẹo, bánh nhập khẩu về để biếu tặng người thân rất nhiều. Dù số lượng ít, nhiều khi giá trị chưa đến 1 triệu đồng nhưng vẫn phải được kiểm tra chuyên ngành. Chúng tôi cũng đã kiến nghị miễn kiểm tra chuyên ngành cho những mặt hàng này, vì thường đây là những hàng của những hãng sản xuất uy tín và họ cũng đã phải tuân thủ và đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm...” - ông Hải nói.
Về vấn đề này, ông Hải cho biết trong tháng 4, cơ quan hải quan sẽ mời 10 bộ, ngành và các cơ quan liên quan rà soát lại 362 văn bản để xem những văn bản nào cần điều chỉnh, sửa đổi để sớm sửa đổi, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và mong chờ của DN.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF), nhấn mạnh: Mặc dù Chính phủ đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 82/190 quốc gia được xếp hạng về chỉ số Môi trường kinh doanh và đứng thứ 60/138 về chỉ số năng lực cạnh tranh. “Trong thực tiễn vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại của DN cần phải được nghiên cứu, xem xét tháo gỡ để tạo động lực thực sự cho phát triển kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập của DN và tăng sức thu hút đầu tư cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Các DN mong mỏi có được sự đột phá quyết định, hiệu ứng tích cực, mang tính hệ thống với tác động lâu bền để DN phát triển kinh doanh từ loạt Nghị quyết 19” - ông Giám nhấn mạnh.