Thời tiết mùa hè nắng nóng, xen khẽ mưa khiến nhiệt độ hạ thấp đột ngột. Cơ thể trẻ nhỏ chưa kịp thích ứng với thời tiết nên thường bị hắt hơi sổ mũi vì viêm đường hô hấp trên. Khi thấy con mắc bệnh nhiều cha mẹ lo lắng nhưng thay vì đi khám lại lên mạng tìm mua các loại thuốc tự chế.
Đừng vội mừng vì bệnh khỏi nhanh
Một khảo sát nhỏ trên trang tìm kiếm Google với cụm từ khóa "thuốc nhỏ mũi tự chế" chỉ trong vòng 49 giây đã cho hơn 600.000 công thức pha chế và rất nhiều sản phẩm thuốc nhỏ mũi được giao bán. Hầu hết sản phẩm thuốc mũi tự chế đều khẳng định được làm tự nhiên và an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Quảng cáo thuốc nhỏ mũi tự chế dành cho trẻ trên Facebook. Ảnh: Chụp màn hình.
Trên mạng xã hội, thuốc nhỏ mũi cũng trở thành một mặt hàng được buôn bán nhộn nhịp. Theo lời quảng cáo của một người bán thuốc nhỏ mũi tự chế trên mạng xã hội có tên Đ.L, loại thuốc dùng cho trẻ nhỏ được chiết xuất từ các loại cây cỏ như cỏ ngũ sắc, ké đầu ngựa, tạo giác thích, hoàng đá, chuyên dùng để chủ trị viêm mũi, chảy nước mũi, khô mũi, tắc mũi, hắt hơi… Sản phẩm này được giới thiệu an toàn tuyệt đối cho trẻ nhỏ và rất hiệu quả.
Để lấy thêm lòng tin của cha mẹ, chủ nhân Facebook này còn đưa ra dẫn chứng: "Trẻ thường xuyên bị nghẹt mũi uống thuốc Tây không khỏi hay quấy khóc do tắc nghẽn mũi, nếu để lâu ngày cơ địa bé kém sẽ gây ra viêm tai giữa. Việc dùng các loại thuốc nhỏ mũi tự chế sẽ an toàn hơn so với thuốc Tây, tránh được tình trạng con phải dùng khách sinh. Do các loại thuốc này đều làm bằng các nguyên liệu tự nhiên".
Thực tế, những lời quảng cáo như thế này không hiếm trên các trang mạng xã hội. Nhiều bố mẹ đã tin và đặt mua cho con sử dụng bất chấp hậu quả.
'Thuốc nhỏ mũi không thể dùng tùy tiện'
PGS.TS.Võ Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, cho biết các loại thuốc nhỏ mũi đều không được sử dụng bừa bãi kể cả trong trường hợp thuốc được cấp phép và cần phải dựa trên tư vấn của bác sĩ.
Việc dùng các loại thuốc tự chế dù bằng thảo dược nếu không được kiểm định về chất lượng, thành phần, không được cấp phép là rất nguy hiểm. Đặc biệt, các loại thuốc được quảng cáo trị dứt điểm sau 1-2 ngày sử dụng sẽ được trộn thêm thành phần corticoid.
"Thuốc nhỏ mũi không thể dùng tùy tiện. Các bác sĩ thường dặn dò phụ huynh rất kỹ lưỡng khi sử dụng loại thuốc này. Vì việc dùng sai hoặc quá lạm dụng thuốc có thể để lại những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Vì vậy, người dân không được dùng các loại thuốc tự chế dù là có nguồn gốc thảo dược", bác sĩ Quang nói.
Các loại thuốc vệ sinh mũi như nước mối sinh lý, muối kháng sịt mũi mới được dùng mà không cần phải kê đơn.
Bác sĩ Quang khuyến cáo thời tiết thất thường trẻ dễ bị sổ mũi nên việc rửa mũi là rất cần thiết. Tuy nhiên, cha mẹ không nên dùng xi lanh để rửa mũi cho trẻ. Đây không phải là dụng cụ để rửa mũi, áp lực lớn có thể khiến cho nước rơi vào ống tai gây ra viêm tai và khiến trẻ sợ hãi. Cha mẹ nên xịt rửa mũi trẻ bằng dụng cụ chuyên dụng hoặc chai xịt rửa dạng sương mù sẽ làm sạch sâu không gây hại cho niêm mạc mũi.
PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Hà Nội, cho biết đã điều trị nhiều bệnh nhân dùng thuốc nhỏ mũi bừa bãi, thuốc lá không rõ nguồn gốc, thuốc Đông y của thầy lang khiến các bệnh đường hô hấp trên thêm nặng.
Nhiều trường hợp bệnh nhân tự điều trị bằng các loại thuốc tự chế, không rõ nguồn gốc xuất xứ làm teo niêm mạc mũi gây ra mất khứu giác. Những loại thuốc này có thêm thành phần co mạch dùng kéo dài khiến cho mạch co không trở lại bình thường ảnh hưởng tới hô hấp, khả năng chống nhiễm khuẩn của cơ quan đó. Thậm chí, một số trường hợp phải phụ thuộc vào thuốc suốt đời.