Trong những ngày qua, khắp các thôn xã ở Sóc Trăng, Trà Vinh, bà con nông dân, nhất là đồng bào Khmer, vui như hội trước việc dự án cấp điện hoàn thành, đưa điện vào tận nhà. Sự kiện mừng công hoàn thành các dự án cung cấp điện ở Sóc Trăng và Trà Vinh đã được Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) tổ chức trong 2 ngày 23 và 24-8, thực sự mang lại niềm vui cho bà con nơi đây.
Phủ kín điện vùng sâu
Từ năm 2008 về trước, tình hình cung cấp điện tại tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng còn nhiều bất cập. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện sử dụng nên cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, bà con Khmer gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Thủ tướng chỉ đạo các ban, ngành địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện dự án cung cấp điện khu vực đồng bào Khmer từ nguồn ngân sách nhà nước (85%) và 15% từ chủ đầu tư. Dự án trên là một trong những dự án trọng điểm đã được Thủ tướng phê duyệt và triển khai từ năm 2009, với mục tiêu tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân nhất là đồng bào dân tộc Khmer ở 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Tại Trà Vinh, ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc EVNSPC, cho biết dự án được triển khai làm 3 giai đoạn, xây dựng tại 235 xã thuộc 7 huyện (Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Cầu Kè, Càng Long và Tiểu Cần). Dự án có mức đầu tư 470 tỉ đồng, quy mô gồm 291,9 km đường dây trung thế, 1.137 km đường dây hạ thế, 687 trạm biến áp với tổng dung lượng 12.957,5 KVA; công tơ nhánh rẽ vào nhà 34.934 hộ dân. Bắt đầu thực hiện từ tháng 8-2011, EVNSPC và Công ty Điện lực Trà Vinh đã cùng chính quyền địa phương giải phóng mặt bằng, thi công để hoàn thành dự án đúng tiến độ, cấp điện cho người dân vào tháng 8-2016. Với dự án này, 34.934 hộ dân được cung cấp điện ổn định, nâng tổng số hộ có điện lên 264.227, đạt 98,48%, trong đó số hộ đồng bào Khmer có điện đạt 97%.
Còn tại Sóc Trăng, sau 6 năm triển khai, dự án đã xây dựng 478,3 km đường dây trung thế, 1.146 km đường dây hạ thế và 823 trạm biến áp có tổng công suất 18.095 KVA, cấp điện cho 45.408 hộ dân. Đây là dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thông qua nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (85%) và vốn đầu tư của EVNSPC (15%). Dự án còn hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng công trình, đặc biệt là chính sách cấp điện đến tận hộ dân và hỗ trợ mỗi hộ dân bảng điện, dây dẫn và bóng đèn compact. Đến nay, tỉ lệ hộ gia đình ở Sóc Trăng có điện đạt 99,4%, trong đó tỉ lệ hộ Khmer có điện lên đến 91%; góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer.
Đổi thay nhờ có điện
Trở lại các xã vùng sâu, vùng xa của 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, nhiều nơi trước đây khi màn đêm buông xuống là tối om, chỉ le lói vài ngọn đèn dầu. Còn hiện tại, điện thắp sáng khắp các vùng quê, cuộc sống của bà con đang bắt đầu đổi thay.
Không thể diễn tả hết niềm vui có điện của gia đình ông Thạch Sao (ấp Rẫy Mới, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng). Nhà ông Thạch Sao có 7 công ruộng và 3 công rẫy, trồng các loại hoa màu như mướp, đậu đũa và cỏ cho bò ăn. Trước đây, khi chưa có điện, ông phải dùng máy phát điện để tưới cho ruộng lúa, gánh nước để tưới cây và vệ sinh chuồng trại. Từ năm 2015, lúc điện về, cuộc sống sinh hoạt của gia đình ông dễ thở hơn, việc sử dụng mô tơ điện để tưới tiêu cũng thuận lợi hơn. Cũng nhờ có điện, ông Thạch Sao tăng thêm đàn heo gần chục con. “Trước đây, khi dùng máy phát điện để bơm nước cho ruộng lúa, chi phí tiền dầu khá cao, nay chỉ tốn khoảng 2.500-3000 đồng/ngày” - ông Thạch Sao bày tỏ.
Bà Thạch Thị Dân (ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) khoe từ ngày có điện, con cháu bà không còn phải thắp đèn dầu để học bài. Các em có ánh sáng điện để học hành nên tiến bộ hơn, được xem truyền hình giải trí sau những giờ học. Gia đình bà cũng sử dụng điện để tưới tiêu ruộng vườn, năng suất cây trồng cao hơn trước, thu nhập được cải thiện.
Cuộc sống nhiều gia đình dân tộc Khmer ở xã Đa Lộc đã thật sự thay đổi rõ rệt như thế. Ông Dương Văn Sa, cán bộ nông nghiệp xã Đa Lộc, cho hay từ khi có điện đến nay, bà con ở đây đều sử dụng điện để bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Theo tính toán của ông Sa, thu nhập của người dân cải thiện nhiều nhờ chi phí bơm điện chỉ bằng khoảng 1/3 so với máy chạy dầu. Cụ thể, để tưới cho 1 ha ruộng lúa trong 2 giờ, chi phí cho điện chỉ hết 40.000 đồng, trong khi trước đây sử dụng dầu tốn đến 100.000 đồng/2 giờ.
Đời sống văn hóa phát triển
Từ khi các vùng sâu, vùng xa của Trà Vinh và Sóc Trăng có điện lưới quốc gia, tình hình an ninh vùng nông thôn cũng tốt lên, các loại tội phạm giảm rõ rệt. Môi trường sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, đổi thay từng ngày, trong đó có đời sống văn hóa. Người dân bắt đầu sử dụng các thiết bị gia đình hiện đại như nồi cơm điện, quạt gió, tivi, tủ lạnh, bàn ủi…