Theo đó, tính đến cuối năm 2015, điện lưới quốc gia đã về tới 99,8% xã và 98,76% hộ dân. Đặc biệt, cũng trong năm 2015, công tác kéo điện ra đảo Cô Tô đã hoàn tất, đưa số lượng huyện đảo của đất nước được EVN đảm nhận cấp điện lên 9/12 huyện đảo.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tài Anh cũng cho biết EVN đang rất chú trọng đến chất lượng điện năng. Nếu như năm 1990, tổn thất điện năng trên lưới truyền tải và phân phối là 28,7% (tức là cứ 10 KW điện phát ra mất khoảng gần 3 KW) thì đến năm 2010 đã giảm còn 10,15% và năm 2015 đạt dưới 8%. Mục tiêu năm 2020 là kéo giảm tổn thất điện năng toàn tập đoàn xuống dưới 6,5%, ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Chỉ tiêu cung cấp điện liên tục cũng được cải thiện qua các năm. Nếu như năm 2012 cắt điện 8.077 phút thì năm 2015 xuống còn 2.100 phút. Theo kế hoạch, năm 2020, EVN phấn đấu cắt điện chỉ 400 phút/năm. Đây là chỉ tiêu hết sức đáng tự hào thời gian qua.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Tài Anh cũng cho rằng dư địa phát triển điện năng để phục vụ phát triển kinh tế còn rất lớn, có thể lên tới 570 tỉ KWh vào năm 2030. Do đó, nhu cầu vốn đầu tư là thách thức không nhỏ. “Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, mỗi năm cần 7,9 tỉ USD vốn đầu tư, trong đó 75% đầu tư nguồn điện, 25% đầu tư cho lưới điện. Từ năm 2021 đến 2030 cần 10,8 tỉ USD. Với khối lượng đầu tư lớn như vậy, phải huy động tất cả nguồn lực trong và ngoài nước bởi tín dụng của EVN không thể kham nổi. Theo chiến lược phát triển này, rất mong muốn có các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư trong nước tham gia phát triển ngành điện” - ông Nguyễn Tài Anh chia sẻ.