Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, hằng năm, tỉnh Thanh Hóa gieo trồng khoảng 60.000 ha bắp, đến năm 2020 tăng lên 72.000 ha.
Tổng diện tích mô hình bắp kháng sâu bệnh là 50 ha cần khoảng 1 tấn giống và Công ty Dekalb Việt Nam đã hỗ trợ toàn bộ số giống bắp này cho nông dân, cùng với lượng thuốc trừ cỏ sử dụng cho mô hình là 100 lít MAXER 660SC. Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết vụ bắp 2015-2016, huyện đã phối hợp với Dekalb Việt Nam tổ chức thực hiện mô hình liên kết sản xuất bắp kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ DK6919S, DK6818S, DK9955S với diện tích 50 ha. Kết quả các giống bắp trên giúp quản lý hiệu quả cỏ dại, kháng sâu và kháng thuốc trừ cỏ, kháng hoàn toàn sâu đục thân, sâu đục bắp và sâu khoang tốt. Năng suất đạt 71,3 tạ/ha, cao hơn giống bắp thường 6 tạ/ha. Chi phí đầu tư khoảng 12 triệu đồng/ha, thấp hơn giống bắp thường là 1,22 triệu đồng/ha. Hiệu quả kinh tế tổng thể cao hơn khoảng 5,12 triệu đồng/ha so với giống bắp lai thường.
Mô hình liên kết 4 nhà hay còn gọi là hợp tác công tư nhằm cải thiện chuỗi canh tác bắp theo hướng bền vững. Vụ xuân năm 2016 tới, tiếp tục triển khai các mô hình liên kết, chuyển giao tiến bộ nông nghiệp cho nông dân, hỗ trợ toàn bộ giống bắp kháng sâu và thuốc trừ cỏ cho diện tích 50 ha mô hình cùng với gói kỹ thuật canh tác để giúp nông dân được trải nghiệm công nghệ mới.
Mô hình liên kết 4 nhà có vai trò như chuỗi liên kết trong sản xuất, tạo sự gắn kết từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Mô hình này phát triển sẽ tạo ra chuỗi sản xuất trong vùng mang lại hiệu quả. Việc liên kết còn thúc đẩy hình thành sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo ra được sản phẩm thế mạnh có tính cạnh tranh cho từng vùng.