Nhức nhối với đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc tràn lan trên thị trường bấy lâu nay, các bậc làm cha làm mẹ nơm nớp lo sợ sức khỏe của các con bị đe dọa bởi những loại đồ chơi nguy hiểm, độc hại ấy. Vì vậy mà cha mẹ mong muốn có những cửa hàng đồ chơi trẻ em chất lượng tốt với xuất xứ rõ ràng và có tính giáo dục cao. Hiện kinh doanh chuỗi đồ chơi đang phát triển nhanh và một cuộc đua khốc liệt đang diễn ra tại các đô thị lớn.
Sản phẩm đặc trưng
Những món đồ chơi như ô tô, thanh kiếm, búp bê, siêu nhân…bằng nhựa được bọc trong những túi ni-lông treo lủng lẳng là hình ảnh thường thấy ở chợ hay những tiệm tạp hóa. Với những đứa trẻ, đó là nơi thu hút ánh mắt thèm khát của chúng và hẳn nhiên, ba mẹ hay chiều theo ý muốn của trẻ khi bắt gặp đồ chơi yêu thích.
Ngày nay, những hình ảnh đó vẫn còn, nhưng trên những con phố tấp nập, những cửa hàng được đầu tư hoành tráng, thương hiệu bắt mắt dễ nhận diện, màu sắc tươi trẻ phù hợp với trẻ em…mọc lên khắp nơi. Đó là chuỗi hệ thống kinh doanh đồ chơi trẻ em với những cái tên Mykingdom, FunnyLand, ToyLand...
Theo đó, Mykingdom hiện dẫn đầu với hệ thống 125 cửa hàng khắp cả nước. Thứ đến là FunnyLand với 28 cửa hàng trên toàn quốc. ToyLand với 8 cửa hàng...
Nếu các thương hiệu trên đã khẳng định được vị thế của mình thì gần đây, thị trường xuất hiện một cái tên mới: Toy City. Toy City do Con Cưng (hệ thống cửa hàng mẹ và bé) lập ra. Dù mới tham gia thị trường từ cuối năm 2016 nhưng hiện đơn vị này sở hữu 11 cửa hàng và đang có kế hoạch mở rộng lên con số 100 vào cuối năm nay.
Mỗi chuỗi cửa hàng đều có dòng sản phẩm đặc trưng riêng của mình. Chẳng hạn, Mykingdom có thế mạnh về các mẫu đồ chơi lắp ghép mang thương hiệu Lego hay các mẫu mô hình siêu anh hùng của DC Comics, Marvel thì FunnyLand có thế mạnh là các mặt hàng của Takara Tomy hay Brandstaetter Stiftun. Còn Toyland tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng thế giới Hot Wheels, Barbie, Bambolina, Fisher Price, Hape, Mega Bloks... Trong khi đó, Toy City tập trung vào các sản phẩm cho trẻ dưới 3 tuổi, vừa túi tiền.
Giáo dục song hành giải trí
Một đặc điểm dễ nhận thấy tại chuỗi các điểm bán đồ chơi này là mặt bằng rộng, tập trung tại các tuyến phố lớn tại thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… Các sản phẩm đồ chơi chính hãng cũng được tìm thấy ở các chuỗi nhà sách của FAHASA hay nhà sách Phương Nam. Sản phẩm mà các cửa hàng này kinh doanh đều được giới thiệu là hàng chính hãng, chất lượng cao và hướng đến giá trị giáo dục song hành với giải trí cho trẻ em. Như vậy, có thể nói thị trường khá nhộn nhịp khi có nhiều doanh nghiệp tham gia, điều đó cho thấy mảng kinh doanh này đầy sức hấp dẫn.
Theo phản hồi từ nhân viên bán hàng ở các chuỗi cửa hàng, các dòng sản phẩm mô hình lắp ráp của Lego, Sluban… đang bán rất chạy bởi giá cả phù hợp mà cũng góp phần cho trẻ sáng tạo nên nhận được sự ủng hộ cao từ phụ huynh.
Chị Đào Hiệp (ngụ Gò Vấp - TP HCM) cho biết rất yên tâm khi chọn mua đồ chơi cho 2 con của chị tại các hệ thống này. “Giá có thể cao hơn nhiều nhưng tôi chấp nhận bởi vì con được chơi đồ chơi yêu thích, vợ chồng tôi yên tâm vì chất lượng và rất vui khi các con thỏa sức sáng tạo, không khí gia đình vui vẻ hơn. Chúng tôi cũng dành thời gian chơi với các cháu, xả stress luôn” - chị Hiệp chia sẻ thêm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2016, giá trị mặt hàng đồ chơi và game của nước này xuất sang Việt Nam xấp xỉ 170 triệu USD. Với hơn 80% nguồn hàng đồ chơi trong nước có xuất xứ từ Trung Quốc, ước tính tổng giá trị thị trường mặt hàng đồ chơi nhập khẩu vào Việt Nam khoảng hơn 200 triệu USD.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của Công ty Nkink, thị trường đồ chơi được xếp cùng với các sản phẩm dành cho trẻ em như quần áo, tã… có giá trị khoảng 1,1 tỉ USD/năm. Báo cáo cũng cho biết trung bình, mỗi phụ huynh chi khoảng 500.000 đồng/tháng cho mỗi trẻ em, ở TP HCM con số này gấp ba lần.
Rõ ràng thị hiếu khách hàng đang thay đổi, hướng đến các món đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ, không độc hại và hầu bao chi cho khoản này cũng đang phình to theo thời gian.