Tình hình thu hoạch hồ tiêu hiện đã gần xong. Theo báo cáo từ ngành nông nghiệp, diện tích hồ tiêu cả nước có 100.000 ha, trong đó diện tích thu hoạch là 64.500 ha, tăng 16.220 ha so với năm 2015. Do diện tích canh tác tăng nên sản lượng tiêu vụ mới năm 2016-2017 cho dù gặp thời tiết không thuận lợi nhưng sản lượng vẫn không giảm. Tuy nhiên, mùa vụ mới không thể đạt trên 168.000 tấn như dự báo.
Qua rồi thời hoàng kim
Được biết, giá tiêu xô hồi đầu năm giảm còn trên 160.000 đồng/kg nhưng những tháng tiếp theo, giá liên tục giảm còn 155.000 đồng, rồi 145.000 đồng. Đến tháng 3, giảm tiếp còn 135.000 đồng/kg. Hiện nay, tuy đã hết mùa thu hoạch nhưng giá tiêu vẫn loay hoay ở mức 150.000 đồng/kg, không thể tăng trở lại thời kỳ hoàng kim hồi năm 2014 và đầu năm 2015. Thời điểm này, có lúc giá tiêu lên đến trên 200.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá giảm là do tình hình hạn hán tại một số nước cũng như tại Việt Nam đã tác động đến tâm lý nông dân cũng như nhà thu gom. Theo đó, họ cho rằng sản lượng vụ 2016 sẽ không cao như dự đoán trước đó. Giá giảm chỉ là hiện tượng chứ không phản ánh đúng tình hình sản lượng hồ tiêu. Do vậy, khi biết thông tin giá tiêu tại Ấn Độ không giảm, nhu cầu cao nên nông dân sản xuất hồ tiêu Việt Nam có xu hướng găm trữ để chờ bán được giá cao hơn. Vì vậy, giá tiêu hồi cuối quý I có xu hướng chững lại, không giảm như quy luật giá hạ khi nguồn cung tăng như cùng kỳ các năm trước.
Theo dự báo, giá hồ tiêu trong nước có thể sẽ được cải thiện do nhu cầu thế giới tiếp tục tăng trong khi sản lượng toàn cầu lại giảm. Nhưng giá trong nước khó có khả năng tăng cao như năm ngoái do tình hình xuất khẩu không khả quan bởi trở ngại của vấn đề về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được kiểm soát tốt.
Phát triển nóng
Một khó khăn khác đối với việc sản xuất hồ tiêu trong nước là thời tiết sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất, trong khi chi phí sản xuất lại tăng cao. Diện tích hồ tiêu tăng quá nhanh, trong đó có nhiều vùng không phù hợp với quy hoạch; thời tiết, khí hậu, đất đai, nguồn nước đang ảnh hưởng làm cho ngành hồ tiêu thiếu bền vững. Nông dân dễ bị rủi ro trong đầu tư, ngành nông nghiệp khó kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng gặp rủi ro trong kiểm soát chất lượng, giá cả, gặp khó trong giao dịch, tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu.
Thực tế cho thấy diện tích hồ tiêu trong năm 2015 tăng khoảng 10.000 ha so với năm trước đó. Tuy diện tích tăng nhưng sản lượng chỉ đạt khoảng 130.000 tấn, giảm gần 20.000 tấn so với năm 2014. Sản lượng giảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có khoảng 50% diện tích hồ tiêu đang thu hoạch bị già cỗi, tức khai thác trên 15 năm dễ bị sâu bệnh. Hiện chỉ có 30% diện tích vườn tiêu đang trong thời kỳ cho năng suất cao (những vườn tiêu này từ 5-10 tuổi). Diện tích trồng tiêu mới chưa cho thu hoạch chiếm khoảng 20%, trong đó có hơn 10% là trồng mới từ năm 2014-2015.
Theo nhận định từ giới chuyên môn, ngành hồ tiêu của Việt Nam tăng trưởng mạnh nhưng không bền vững. Diện tích tăng nóng, canh tác thiếu kiểm soát, thiếu sự liên kết, tổ chức không chặt chẽ trong toàn chuỗi khiến việc sử dụng hóa chất trong canh tác, thu hoạch, bảo quản hồ tiêu không tuân thủ quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm làm ảnh hưởng nhiều đến thương mại xuất khẩu. Trong khi đó, nhiều nước nhập khẩu hồ tiêu trên thế giới đang tăng cường kiểm soát gắt gao về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để phục vụ cho chế biến và các hợp đồng xuất khẩu đã ký, các doanh nghiệp trong nước đã phải nhập khẩu hồ tiêu từ các nước trên thế giới với số lượng lên đến 21.825 tấn hạt tiêu trong năm qua. Phần lớn nhập khẩu hạt tiêu từ Indonesia, kế đến là từ Brazil, Malaysia, Ấn Độ. Theo kế hoạch trong năm nay, các doanh nghiệp chế biến tiêu xuất khẩu tiếp tục phải nhập khẩu lượng tiêu nguyên liệu tương đương năm ngoái để phục vụ xuất khẩu.