Công ty CP Phát triển công nghệ Viotek đã vượt qua kỳ sát hạch tốt nghiệp. Đây là công ty thứ 5 của Vườn ươm doanh nghiệp (DN) công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao TP HCM, vừa được công nhận “tốt nghiệp” vào ngày 17-5.
Khởi đầu với Nacur Vital
Ông Phan Văn Tiến, Giám đốc Viotek, cho biết thành lập ngày 30-9-2014, đến tháng 2-2015, Viotek chính thức tham gia Vườn ươm DN công nghệ cao. Ngày 13-11-2015, Viotek ra mắt sản phẩm đầu tay là Nacur Vital. Ngày 1-1-2016, Viotek ký hợp đồng nhượng quyền công nghệ với Trung tâm Nghiên cứu triển khai - SHTP Labs (Khu Công nghệ cao TP HCM) về việc sử dụng công nghệ nano curcumin với giá trị 120 triệu đồng/năm. Tháng 2- 2016, Viotek phân phối sản phẩm Nacur Vital ra thị trường thông qua Công ty Kết nối Không gian (Spacelink). “Từ tháng 11-2015 đến tháng 4-2016, Viotek đã bán được 6.000 sản phẩm trên thị trường, mục tiêu từ nay đến tháng 12-2017 sẽ là 36.000 sản phẩm” - ông Tiến cho biết thêm.
Nacur Vital là thực phẩm chức năng, được chiết xuất từ tinh chất nghệ bằng công nghệ nano. Hiện sản phẩm này đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp ngày 8-10-2015.
Viotek đang đầu tư nhà xưởng sản xuất tại Khu Công nghệ cao TP HCM. Không chỉ sản xuất Nacur Vital, Viotek còn nhắm đến các sản phẩm thuộc nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm...
Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM Lê Hoài Quốc cam kết: “Khu Công nghệ cao TP HCM sẽ kết nối với các quỹ đầu tư để nâng cấp nhà máy sản xuất của Viotek đạt chuẩn GMP với số vốn khoảng 10 tỉ đồng”. Theo ông Quốc, khi đã có nhà máy đạt chuẩn, ngoài việc sản xuất theo năng lực lõi, Viotek sẽ tham gia gia công các đơn hàng bên ngoài, phù hợp với quy mô, trình độ và năng lực sản xuất của nhà máy.
Phải chứng minh năng lực
“Để được chứng nhận “tốt nghiệp”, các DN tham gia Vườn ươm DN công nghệ cao phải chứng minh năng lực của mình bằng những sản phẩm hữu ích, phục vụ thị trường trong nước và cả việc hướng đến mục tiêu xuất khẩu” - ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm DN công nghệ cao, nói.
Theo ông Nguyên, khi DN tham gia vườn ươm, nếu ban giám đốc vườn ươm xét đề tài có hiệu quả, thông qua nguồn vốn của khu công nghệ cao, vườn ươm sẽ hỗ trợ DN về thị trường, tiếp thị, tham gia hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ... tại TP HCM và các tỉnh lân cận. “Thời gian cho mỗi DN từ khi tham gia vườn ươm đến khi tốt nghiệp, dao động từ 1-3 năm. Hằng năm, mỗi DN ươm tạo sẽ được hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng cho những hoạt động đặc thù” - ông Nguyên nhấn mạnh.
Sau 10 năm hoạt động, hiện nay Vườn ươm DN công nghệ cao của Khu Công nghệ cao TP HCM đã có 5 DN vượt qua các kỳ sát hạch tốt nghiệp. Đó là Công ty VN Robotics chuyên sản xuất cánh tay robot và robot, Vitotek sản xuất các sản phẩm công nghệ nano, HoneyB sản xuất thiết bị cân bằng động, Health Coporation với sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ xa và Acis sản xuất các thiết bị điện tử cho mô hình ngôi nhà thông minh (smarthome).
Ông Lê Hoài Quốc khẳng định: “Hiện tại, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM không có bất cứ ràng buộc nào với DN tốt nghiệp từ vườn ươm. Trách nhiệm của họ cũng chính là nghĩa vụ của một DN đối với cộng đồng bằng những sản phẩm mới phục vụ thị trường nội địa, xuất khẩu, tuân thủ tốt pháp luật, chính sách thuế và tạo việc làm cho người lao động”.