Năm 2015, TP HCM có số lượng cá cảnh đạt 100 triệu con, tăng 11,1% so với năm trước, bình quân từ năm 2011-2015, sản lượng cá cảnh tăng khoảng 10,8%/năm. Cá cảnh xuất khẩu năm 2015 là 12 triệu con, tăng 9,9% so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 11 triệu USD, tăng 12%. Từ năm 2011-2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8,6%/năm, kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 6,6%/năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, châu Âu và châu Á.
Vướng thủ tục
Được biết, xuất khẩu cá cảnh mỗi năm đều tăng, như năm 2013 xuất khẩu được 8 triệu USD thì sang năm 2014 là 10 triệu USD và năm 2015 vừa qua là 11 triệu USD. Xuất khẩu cá cảnh 6 tháng đầu năm đã đạt 7 triệu con, dự báo cả năm 2016 sẽ đạt 15 triệu con, tăng 3 triệu con so với năm 2015. Tuy lượng cá cảnh xuất khẩu tăng khá cao nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu cá cảnh đều cho rằng chưa tương xứng với tiềm lực. Nếu được tạo điều kiện thì lượng cá cảnh xuất khẩu còn tăng cao hơn rất nhiều.
Ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết việc nhập khẩu con giống để về lai tạo lâu nay không được thuận lợi vì vướng nhiều thủ tục kể cả thuế. Nếu được tạo điều kiện để nhập khẩu giống thì các DN sẽ lai tạo ra nhiều giống mới để xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước (lâu nay chỉ nhập “chui”, không nhập chính ngạch). Các DN cho rằng xuất khẩu cá cảnh chủ yếu qua đường sân bay nên cần thời gian nhanh, do đó phải có quy trình rõ ràng, công khai
Liên quan đến thị trường cá chép gặp khó trong xuất khẩu cả 2 năm qua do không biết thủ tục, không biết nơi nào để liên hệ. Bốn DN được phép xuất khẩu cá chép đi Mỹ nhưng cũng đang gặp khó khăn. Trong khi các DN đang nuôi cá chép rất nhiều nhưng không xuất khẩu được. Đại diện Cơ quan Thú y Vùng 6 cho rằng việc xuất khẩu cá cảnh không cần phải kiểm dịch, chỉ kiểm tra khi nước nhập khẩu yêu cầu. Vấn đề này chưa được suôn sẻ là DN và cơ quan nhà nước chưa gặp nhau. “DN muốn xuất bao nhiêu cá chép đi châu Âu thì được ký ngay nhưng quan trọng là các nước châu Âu có cho mình vào hay không. Phải có điều kiện” - vị này nói. Còn theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, cái gì thuộc về TP thì giải quyết ngay, còn vượt thẩm quyền thì sẽ kiến nghị tháo gỡ. Chẳng hạn như đa dạng về giống phải làm việc với hải quan để phân biệt thế nào là con giống với cá cảnh thương mại để được ưu đãi thuế (thuế nhập khẩu cá cảnh làm giống là 0% trong khi nhập khẩu cá cảnh thương mại là 15%). Việc xuất khẩu cá coi đến thời điểm này vẫn chưa có thủ tục gì. Sở đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa thấy giải quyết.
Mặt bằng gây khó cho thị trường trong nước
Các DN cá cảnh bức xúc về việc kinh doanh trên địa bàn TP HCM ngày càng khó khăn. Do quy hoạch nên các “chợ” cá cảnh trên đường Nguyễn Thông (quận 3), Lưu Xuân Tín (quận 5), Trường Chinh (quận Tân Bình) đã bị teo tóp, thậm chí bị giải tỏa nên người bán phải tìm thuê mặt bằng lân cận với mức giá cao. Trước đây, giá mặt bằng chỉ vài triệu đồng thì nay tăng lên 20-30 triệu đồng/tháng. Hàng trăm hộ kinh doanh cá cảnh trên đường Trường Chinh đang gặp khó khăn không biết phải kinh doanh ở đâu vì khu vực này bị giải tỏa.
Chủng loại cá cảnh trong nước không đa dạng, trong khi nhu cầu lại luôn đổi mới. Do đó cần được tạo điều kiện nhập khẩu giống mới, thay đổi nguồn gien để đa dạng các loài cá đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Từ đó phát triển thị trường cá cảnh tại TP HCM cũng như trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Phước Trung, sở đã khảo sát các chợ cá cảnh trên địa bàn để có kế hoạch quy hoạch. Chẳng hạn, chợ Lưu Trung Tín quá chật hẹp, chưa tìm được vị trí thích hợp. Chợ Bình Điền có tổ chức trung tâm cá kiểng nhưng lại xa trung tâm TP. Nếu tổ chức kinh doanh ở lề đường thì không khả thi, cản trở giao thông. TP mong muốn có hội chợ triển lãm cá kiểng hằng năm cũng như hình thành hội cá cảnh đã nhiều lần mời nhiều DN nhưng họ không thể ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung cùng đề xuất chính sách, giải quyết khó khăn.