Kế hoạch bay thẳng đến Mỹ của Vietnam Airlines (VNA) chuẩn bị tiến thêm một bước sau cả chục năm chờ đợi. Vì Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã chốt lịch trong tháng 5 tới sẽ thực hiện đợt rà soát kỹ thuật nhằm đánh giá tổng thể năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN).
Bay thẳng
Nếu Cục HKVN vượt qua được đợt đánh giá này, FAA sẽ phê chuẩn đạt được mức 1 (CAT1). Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ mới xem xét cấp phép cho VNA mở đường bay thương mại đến Mỹ theo đề xuất đã được VNA đệ trình từ tháng 10-2016.
Tính đến thời điểm này trên thị trường vẫn chưa có hãng hàng không nào cung cấp sản phẩm bay thẳng từ Việt Nam đi Mỹ.
Từ năm 2007, VNA đã khai thác trực tiếp các đường bay đi/đến Mỹ dưới hình thức bay liên danh (code share) với tần suất 7 chuyến/tuần đến 25 địa điểm của Mỹ. Theo đó, hành khách mua vé máy bay của VNA nhưng chỉ bay một chặng trên máy bay của hãng, sau đó chuyển sang chuyến bay của hãng đối tác VNA gồm China Airlines và Delta Airlines. Nhưng sản lượng vận tải khách qua hình thức bay liên danh đang giảm 4%-15% so với năm 2015 do Delta Airlines cắt giảm một đường bay và chuyển đổi sân bay khai thác là điểm trung chuyển ở Tokyo, không thuận tiện cho hành khách nối chuyến. Hành khách của VNA bay đi Nhật chủ yếu đến sân bay Narita trong khi Delta Airlines vừa chuyển đổi khai thác từ sân bay Narita sang sân bay Haneda.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh từ nay đến năm 2020, VNA đạt mục tiêu mở đường bay thẳng đến bờ Tây nước Mỹ với 2 địa điểm đang được cân nhắc gồm Los Angeles hoặc San Fransisco. Với đội bay thế hệ mới A350 XWB và Boeing 787-9, trong hành trình, máy bay sẽ có một điểm dừng kỹ thuật là Tokyo hoặc Osaka (Nhật Bản). Tại điểm dừng này, máy bay sẽ được tiếp nhiên liệu, cung cấp suất ăn, thời gian tối đa khoảng 1 giờ và hành khách không phải xuống máy bay.
Cạnh tranh gay gắt
Mỹ là thị trường hàng không lớn nhất thế giới, vì thế sức cạnh tranh trên các đường bay đến quốc gia này chưa bao giờ giảm nhiệt. Hiện có khoảng 24 hãng hàng không khai thác chặng bay Việt Nam đi Mỹ tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Bay đến bờ Tây, các đường bay ngắn nhất hiện có 1 điểm dừng (trung chuyển) qua các cửa ngõ Đài Bắc (Đài Loan), Hồng Kông, Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản). Nếu chặng bay có 1 điểm dừng, thời gian trung chuyển hành khách khoảng 3-5 giờ, tổng thời gian bay khoảng 17 giờ. Nếu có 2 điểm dừng (dừng qua đêm) và chuyển đổi sân bay, thời gian bay có thể kéo dài 25-38 giờ.
Còn bay từ Hà Nội/TP HCM đến các địa điểm như New York, Boston thuộc bờ Đông nước Mỹ, hành khách có thể trung chuyển tại Nhật Bản, Hồng Kông hoặc các nước châu Âu như Pháp, Đức. Ví dụ, trung chuyển ở Nhật Bản, chặng bay từ Việt Nam đến Tokyo khoảng 6 giờ, khách chờ đợi 4 giờ ở sân bay Narita (hoặc Haneda) và chuyển đổi máy bay đi Boston với hành trình khoảng 13 giờ. Tùy vào khả năng chi trả và thời gian cho phép, hành khách có thể chọn chuyến bay có mức giá khoảng 15-40 triệu đồng tùy thời điểm và hành trình.
Chọn hình thức bay thẳng, VNA có lợi thế rất lớn về thời gian nhưng giá vé sẽ cao hơn so với bay nhiều chặng như các hãng đối thủ đang cung cấp. Do đó, phân thị VNA nhắm đến là những hành khách có khả năng chi trả cao và mong muốn tiết kiệm thời gian di chuyển. Nếu Cục HKVN được FAA phê chuẩn đạt CAT1 trong kỳ đánh giá tháng 5-2017, dự kiến VNA sẽ lập kế hoạch khai thác đường bay đi Mỹ vào cuối năm 2018.