Những ngày này, ông Nguyễn Thành Huế (xóm Mậu 6, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) tất bật trên thửa ruộng trồng giống ớt GM40 của mình. Sau gần 3 tháng chăm chút, thửa ruộng trồng ớt của gia đình ông đã cho thu hoạch. Ớt được mùa, được giá khiến người nông dân này hết sức phấn khởi.
Ông Nguyễn Thành Huế thu hoạch ớt trái vụ. Trung bình mỗi ngày, ông Huế thu gần 1 triệu đồng tiền bán ớt tươi.
“Giá ớt bình thường 8.000 đồng/kg thì người trồng ớt như chúng tôi cũng đã có lãi. Đợt giáp Tết Nguyên đán này, giá ớt giao động ở mức 20.000-25.000 đồng/kg bán tại vườn, nếu nhập tại chợ đầu mối thì giá cao hơn. Với 3 sào ớt, một mình tôi thu hoạch túc tắc thì mỗi ngày cũng hái được hơn 3-4 yến, hái xong 1 lứa là quay vòng hát lứa tiếp theo. Từ giờ đến Tết Nguyên đán, cây ớt cho thu hoạch thêm 3 lứa quả nữa”, ông Huế cho biết.
Trồng ớt trái vụ đón Tết cũng là cách mà anh Phạm Trung Kiên (xóm Mậu 6, xã Kim Liên) lựa chọn. Trên thửa đất ruộng gần 2ha thuê của UBND xã trồng các loại hoa đón Tết (như ly, các loại cúc thờ, lay ơn…), anh Kiên dành 0,5ha để trồng ớt, trong đó có hơn 3 sào đã cho thu hoạch. Với giống ớt GM40 nhập khẩu cho quả to, đều, mã đẹp và cay, lại trúng vào đợt giáp Tết nên anh Kiên không phải lo về vấn đề đầu ra.
“Vào dịp Tết, không chỉ nhu cầu ớt trong tỉnh, trong nước tăng cao mà nhu cầu nhập khẩu ớt cay của Trung Quốc cũng tăng do đó thương lái vào thu mua tận ruộng. Có thời điểm giá ớt lên tới 27.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại thì người trồng ớt như chúng tôi hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, mức giá này không kéo dài được lâu, thường thì ra Tết, sức mua giảm, giá ớt vì thế cũng giảm nhiều”, anh Kiên cho hay.
Cây ớt trồng đúng thời vụ là vào tháng 12 âm lịch, sau gần 3 tháng là cây cho trái. Nếu chăm bón tốt, đúng quy trình kỹ thuật, cây ớt có thể cho thu hoạch đến 9 tháng, năng suất đạt khoảng 15-22 tấn/ha. Tuy nhiên, vào mùa thu hoạch (khoảng tháng 4 hàng năm), quả ớt thường bị thương lái ép giá, mức giá cao nhất chỉ đạt 8.000 đồng/ha.
Để tránh thua thiệt ngay trên đồng ruộng, năm nay, người nông dân Nguyễn Thành Huế quyết định trồng trước lịch thời vụ. Từ tháng 8 (âm lịch), ông đã ươm hạt và trồng xuống ruộng. Đến đầu tháng Chạp, cây ớt đã cho thu hoạch.
“Cây ớt là loại cây trồng khá khó tính, không thể trồng liên tục hàng năm. Trồng trái vụ là chỉ căn về giá thôi chứ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vào mùa Đông ớt cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là tình hình sâu bệnh. Gần như ngày nào cũng phải có mặt ngoài đồng bởi diễn biến sâu bệnh nhanh lắm, không ứng phó kịp thời là mất trắng. Trồng ớt trái, tuy vất vả nhưng như giá cả hiện tại thì giá trị kinh tế cao, gấp gần 10 lần trồng lúa”, ông Huế thông tin thêm.