Sáng 1-8, đoàn bác sĩ đang học chuyên khoa II về quản lý y tế của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - TP HCM đã đi thực tập các môn học liên quan đến xử lý môi trường tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM).
Đoàn bác sĩ trao đổi với Ban giám đốc và chuyên gia VWS trong chuyến đi thực tế.
Đoàn bác sĩ đã được Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) - chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, giới thiệu về quy trình xử lý chất thải tại khu liên hợp. Ông Kevin Moore cho biết hiện nay, mỗi ngày khu liên hợp tiếp nhận và xử lý hơn 5.000 tấn rác cho TP HCM theo tiêu chuẩn và công nghệ hiện đại của Mỹ. Tiêu chuẩn và công nghệ này đang được Công ty California Waste Solutions (CWS) tại Mỹ - công ty mẹ của VWS, ứng dụng xử lý rác cho TP Oakland, bang California.
Điều khá bất ngờ là ông Kevin Moore đánh giá rác tại TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là "sạch" nhất so với các nước trên thế giới. Lý do là vì khi rác đưa về nhà máy thì gần như không còn nguyên liệu để tái chế (nhựa, giấy, thủy tinh…). Những người vận chuyển rác đã thu gom hầu hết các phế liệu trên; phần còn lại chủ yếu là rác hữu cơ, có độ ẩm rất cao. "Từ đặc thù đó mà chúng tôi đã nghiên cứu và chuẩn bị áp dụng công nghệ mới là ủ lấy khí để phát điện và bố trí thêm khu vực tiếp nhận rác "xanh" để sản xuất phân compost" - ông Kevin Moore nhấn mạnh.
Đoàn bác sĩ tham quan nhà máy tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước
Nội dung mà đoàn bác sĩ thực tập quan tâm nhất là về quy trình xử lý rác thải y tế cũng đã được ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VWS, trả lời. Ông David Dương khẳng định VWS rất quan tâm đến vấn đề này. Theo ông, đây là loại rác độc hại cần phải đầu tư công nghệ để xử lý triệt để. Trong tương lai, VWS cũng đầu tư hơn 1 tỉ USD cho Khu Công nghệ Môi trường Xanh (Long An) để xử lý rác cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong đó có công nghệ xử lý rác y tế và rác thải độc hại.
TS-BS Lê Văn Nhân, giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hướng dẫn đoàn bác sĩ cho rằng việc đến Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để tham quan, tìm hiểu là rất cần thiết đối với các bác sĩ theo học chuyên ngành quản lý y tế, trong đó quản lý rác y tế là vấn đề lớn hiện nay của các bệnh viện. "Chuyến đi thực tế giúp các bác sĩ được trao đổi với chuyên gia để có thêm thông tin về các vấn đề liên quan đến thu gom, xử lý rác thải. Từ đó bác sĩ có thêm kinh nghiệm ứng dụng trong công việc tại các cơ sở y tế. Sở dĩ chúng tôi chọn Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để cho các bác sĩ đi thực tế vì đây là nơi xử lý chất thải có quy mô lớn nhất TP HCM cũng như cả nước tính đến thời điểm hiện tại" - bác sĩ Nhân nói.