"Trên khu vườn rộng hơn 3.000m2, năm nay tôi trồng 400 chậu tắc kiểng. Trong đó hơn một nửa là cây sống từ 10 đến 50 năm tuổi", bà Tươi nói.
Những cây tắc tại đây có nguồn gốc ở miền Bắc, được nhập vào và chăm sóc tạo dáng từ vài năm nay. "Giống quất miền Nam thì quả khi chín có màu vàng nhạt, trái không được to và đậm màu", chủ vườn nói.
Tất cả tắc trong vườn đều trồng trong chậu thay vì dưới đất để dễ chăm sóc, vận chuyển, tiện mua bán. Nếu "đánh" từ đất bỏ vào chậu thì phải mất cả năm để dưỡng lại, cây sẽ không kịp ra trái dịp Tết.
Hơn 40 cây có tuổi đời hàng chục năm trong vườn được ghép chung với gốc bưởi Diễn ở ngoài Bắc. Theo chủ vườn, khi ghép chung thì chỉ lấy gốc bưởi còn cành là tắc. Những cây tắc dù lâu năm cũng khó có gốc to như bưởi.
Một năm, tắc ra quả hai đợt, người trồng phải ngắt hết hoa ở mùa đầu nhằm kích thích cây ra nhiều trái hơn vào đợt sau. "Theo quan niệm, tắc càng sum sê quả thì thêm nhiều lộc. Trên cây phải đủ tiêu chuẩn tứ quý là có hoa, trái chín, trái xanh và lộc non", chủ vườn chia sẻ.
Những cây loại lớn cao hơn 1,5 m, tuổi đời hơn chục năm được bán với giá 20 - 70 triệu đồng. "Cây tắc này ghép gốc bưởi, có tuổi đời khoảng hai chục năm, được định giá 50 triệu đồng", chị Minh Uyên (con gái bà Tươi) cho biết.
Theo chị Uyên, những cây lâu năm, gốc to thì chủ vườn thường cho thuê thay vì bán. Trong vườn có khoảng 150 cây chủ yếu cho thuê, với giá 10-50 triệu đồng.
Đắt nhất trong vườn là cây tắc cao gần 3m, ghép với gốc bưởi hơn 50 năm tuổi, được bán giá 70 triệu đồng. "Tuy nhiên, với cây này tôi chỉ cho thuê chứ không bán được. Trước Tết cả tháng, đã có người thuê", bà Tươi nói.
Những chậu tắc cỡ nhỏ tạo dáng bonsai, dưới 10 năm tuổi có giá bán từ vài triệu đến hơn chục triệu đồng.
Chậu tắc kiểng có dáng bay, trên 10 năm tuổi được chủ vườn định giá 20 triệu đồng.
Các chậu tắc được nhân viên mang lên xe đến các điểm bán hàng trên đường Mai Chí Thọ, Bắc Hải, công viên Hoàng Văn Thụ. Theo các chủ vườn, năm nay giá thuê và bán tăng hơn năm ngoái do công chăm sóc, tạo dáng đẹp hơn trước.