Đây là những nguyên liệu đầu tiên được ra đời thông qua Chương trình phát triển cây chôm chôm của BASF, một sáng kiến về chuỗi cung ứng có trách nhiệm với xã hội và môi trường, qua đó sản xuất các hoạt chất sinh học bền vững từ nguồn nguyên liệu tại Việt Nam.
Theo BASF, người tiêu dùng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương và trên thế giới đang ngày càng chú ý đến xu hướng làm đẹp có trách nhiệm, từ đó đặt ra yêu cầu đối với các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm. Song song đó, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy đa dạng sinh học.
Chương trình phát triển cây chôm chôm đã khai thác cây, trái chôm chôm làm nguyên liệu mỹ phẩm và mang đến nguồn thu nhập ổn định cho nông dân
Chương trình phát triển cây chôm chôm được BAFS khởi động năm 2015. Sáng kiến này kết nối BASF, nông dân địa phương, các nhà khoa học và các tổ chức phi chính phủ nhằm hình thành chuỗi cung ứng có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho trái chôm chôm Việt Nam.
BASF đã tìm ra cách khai thác sức mạnh từ màng vỏ, lá và hạt cho các sản phẩm mỹ phẩm, giúp tránh lãng phí và hạn chế sử dụng tài nguyên đất. Đồng thời, chương trình còn mang đến nguồn thu nhập trên mức trung bình, bảo đảm công bằng giới và điều kiện làm việc an toàn cũng như cung cấp đầy đủ bảo hiểm y tế cho người nông dân trồng chôm chôm.
Một nhóm nghiên cứu chuyên biệt về cây chôm chôm được hỗ trợ bởi Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn (CRED), một tổ chức phi lợi nhuận đi đầu trong các hoạt động phát triển sinh kế cho các nhóm nghèo và bị thiệt thòi tại Việt Nam. Nhóm nghiên cứu phối hợp cùng nông dân chăm sóc vườn chôm chôm, thu hoạch trái và chuẩn bị tất cả các nguyên liệu thô cho quá trình chiết xuất các thành phần hoạt tính sinh học.