Thị trường ôtô Đông Nam Á đang có xu hướng sụt giảm lần đầu tiên trong bốn năm do đồng baht Thái mạnh lên đáng kể và kinh tế toàn cầu ảm đạm, đã làm suy giảm tự tin của các hãng ôtô và người tiêu dùng. Đây là đòn giáng mạnh vào các hãng ôtô Nhật Bản, vẫn luôn tận hưởng phần lớn trong miếng bánh sản lượng và doanh số của vùng. Bất chấp suy thoái, các đối thủ cạnh tranh từ Hàn Quốc và Trung Quốc đang lên lộ trình nhằm chiếm thị phần bằng cách tung ra các mẫu xe điện.
Nhà máy Mitsubishi ở Thái Lan: đồng baht dao động tạo nên những biến động ngược chiều cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu. Ảnh: Rei Nakafuji
Chủ đề chính tại Thailand International Motor Expo, khai mạc ngày 29/11 tại Bangkok, là các mẫu xe có thể tiết kiệm tiền đổ xăng. Toyota ra mắt Yaris cỡ nhỏ mới, trang bị động cơ giúp tăng hiệu suất nhiên liệu lên khoảng 15%. Giá khởi điểm 17.806 USD, tương đương với bản tiền nhiệm.
Honda cũng trình diện mẫu sedan City tiết kiệm nhiên liệu và giá cả lại phải chăng. Mẫu xe hoàn toàn mới Almera của Nissan cũng có chung các đặc điểm như vậy. Cả hai hãng này đều nhắm tới việc vực dậy doanh số tại Thái Lan, một trong những thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á, nơi 90% được nắm bởi các ông lớn Nhật Bản.
Tuy nhiên, doanh số thực bán tại Thái Lan đã thấp hơn con số này ở cùng kỳ năm trước 10% vào tháng 9 và 10. Với doanh số đang nhích lên chỉ 1% trong suốt 10 tháng đầu năm nay, doanh số cả năm có khả năng sẽ sụt giảm lần đầu tiên trong ba năm vừa qua.
Mazda vừa hạ mục tiêu doanh số tại Thái Lan của hãng trong năm nay từ 75.000 xuống còn 65.000 đơn vị xe.
"Chúng tôi vừa bán được hai xe trong tháng 11", đại diện bán hàng của đại lý một hãng xe Nhật tại Bangkok nói. "Chúng tôi đã loại bỏ hết các hình thức trả trước và đưa ra ưu đãi giảm giá, nhưng vẫn không bán được".
Lý do chính phía sau sự chững lại của thị trường Thái Lan là đồng baht đang dao động, tăng lên mức cao kỷ lục trong 6 năm qua so với USD. Từ đầu năm nay, đồng tiền Thái đã tăng xấp xỉ 7%, và nay đạt 30 baht đổi một USD, tạo nên những cơn gió ngược cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
Triển lãm ôtô quốc tế Thái Lan tại Bangkok, chủ đạo với dòng xe tiết kiệm nhiên liệu. Ảnh: Rie Ishii |
Hơn nữa, Trung Quốc đang hứng chịu suy thoái kinh tế do hậu quả của chiến tranh thương mại với Mỹ. Hàng xuất khẩu của Thái Lan tại đây đã giảm 6% trong năm nay về giá trị giữa tháng 1 so với tháng 10.
Hệ quả là, kinh tế Thái Lan tăng trưởng chậm tới 2,4% trong quý 3, mức chưa từng thấy kể từ 2014, năm xảy ra đảo chính quân sự. Lợi nhuận nghèo nàn tại các công ty cũng ảnh hưởng tới mức chi tiêu của người tiêu dùng.
"Mọi thứ sẽ còn khó khăn cho tới giữa năm 2020", Michinobu Sugata, chủ tịch Toyota Thái Lan, cho biết.
Tại Indonesia, nơi có thị trường ôtô ngang tầm với Thái Lan, doanh số xe mới giảm 12% trong giai đoạn tháng 1 tới tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái. Kinh tế toàn cầu suy thoái kéo theo giá than và dầu cọ giảm, đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Indonesia.
Hàng xuất khẩu giảm từ 10 đến 20% trong 10 tháng đầu năm nay. Sức mua của các hãng xe và người tiêu dùng vì thế cũng chịu ảnh hưởng như nhau.
Các hãng ôtô Nhật cũng kiểm soát hơn 90% thị trường ôtô Indonesia. Nhưng Nissan sẽ ngừng lắp ráp ôtô ở Indonesia bắt đầu từ năm sau và tập trung chế tạo động cơ cho đối tác liên minh Mitsubishi.
Nissan giới thiệu lại thương hiệu Datsun dưới thời chủ tịch Carlos Ghosn như một nhãn hiệu chiến lược cho các thị trường mới nổi, nhưng dòng xe này chỉ chiếm thị phần 2% ở Indonesia. Datsun phải đối diện với cạnh tranh gay gắt từ Toyota và công ty con có trụ sở Osaka của hãng, Daihatsu.
Ở Malaysia và Philippines, doanh số ôtô mới vẫn trong tình trạng ế ẩm giai đoạn 10 tháng đầu năm. Giữa 6 quốc gia lớn ở Đông Nam Á, tại Việt Nam và Singapore, doanh số ôtô đã giảm 3% trong cùng thời kỳ, đặt khu vực trên đà suy thoái đầu tiên về doanh số trong 4 năm.
Tuy nhiên, Hyundai ngày 26/11 cho biết sẽ thành lập nhà máy đầu tiên của hãng này ở Indonesia, với kế hoạch đầu tư khoảng 1,55 tỷ USD cho đến 2030. Nhà máy sẽ bắt đầu vận hành vào nửa sau năm 2021 với công suất 150.000 xe/năm. Sản lượng sau này sẽ tăng tới 250.000 chiếc.
Hyundai đang trông đợi vào việc chế tạo xe chạy điện tại nhà máy của hãng này tại Indonesia, đánh vào phân khúc xe mà các hãng Nhật đã phớt lờ tại Đông Nam Á. Trong khi đó, tập đoàn SAIC của Trung Quốc đang tập trung tận lực vào xe điện tại Thái Lan.
Liên doanh của SAIC với đại tổ hợp Charoen Pokphand Group của Thái ra mắt chiếc xe chạy điện sản xuất bởi Trung Quốc hồi tháng 6 dưới nhãn hiệu Anh quốc MG. Giá khởi điểm ở 39.300 USD, rẻ hơn 40% so với Nissan Leaf.
MG nắm 2,5% thị phần ở Thái Lan về doanh số giai đoạn tháng 1 đến tháng 10, đủ để chiếm vị trí thứ 8 trên Suzuki.