Lo ngắn, lo dài bởi cuộc sống vốn dĩ vẫn quay
Trong những ngày này, dẫu bạn bè liên tục cập nhật đủ mọi trạng thái xung quanh chuyện làm việc ở nhà, thì chị L.T.H.Minh (ngụ quận 2) vẫn đều đều đến sở làm. Chị làm quản lý của một cao ốc văn phòng hạng sang ở quận 1, nên việc phải túc trực "tác chiến" mùa cao điểm này là cần thiết. "Tôi trước giờ vẫn thường di chuyển bằng xe ôm công nghệ. Mùa dịch đi làm lo lắm, nên càng phải cẩn thận hơn. Đi xe ôm thì đã thông thoáng rồi, nhưng tôi vẫn chú ý đảm bảo khoảng cách với bác tài khi ngồi xe, và mang theo lọ nước rửa tay để sát khuẩn sau khi xuống xe. Tôi thấy các tài xế xe ôm dạo này cũng chủ động đeo khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn ghế sau để khách yên tâm. Chỉ sợ khẩu trang đang khó mua, rồi nước rửa tay khô nữa, các bác tài tự trang bị thì không biết cầm cự được bao lâu", chị Minh chia sẻ.
Trong khi đó, T.Tú làm việc ở Bộ phận Chăm sóc khách hàng của GoViet chia sẻ, mùa dịch lượng khách hàng gọi đến tổng đài nhiều hơn. "Khách hỏi rất kỹ về việc tài xế GoViet có bắt buộc phải đeo khẩu trang không, GoViet có những chính sách hỗ trợ gì, hay thông báo từ các nhà hàng về việc tạm đóng, mở nhà hàng để thực hiện việc phun thuốc khử trùng… Sợ dịch Covid-19 nên khách chủ yếu gọi đồ ăn trực tuyến, nhưng hỏi thông tin rất kỹ vì lo lắng trước các nguy cơ."
Kể từ khi chính quyền thành phố yêu cầu các nhà hàng, quán ăn phục vụ hơn 30 người ngừng hoạt động để chung tay chống dịch, chị M.Thảo đóng cửa quán Trà sữa - Ăn vặt của mình tại quận Tân Phú, nhưng vẫn cho khách đặt món trực tuyến và giao hàng thông qua đội ngũ giao hàng. Hiểu được tâm lý lo lắng của khách hàng, chị làm đủ các khâu có thể làm để bảo đảm an toàn như sát khuẩn bếp và quầy pha chế thường xuyên, nhân viên đều phải mang khẩu trang, sát khuẩn và giữ vệ sinh khi pha chế. "Dù các shipper mùa này đều mang khẩu trang nhưng chúng tôi luôn nhắc các anh nên sát khuẩn lại bằng nước rửa tay khô tại tiệm trước khi nhận đồ ăn mang đi. Mùa dịch nên ai cũng tự giác, hợp tác tốt để đảm bảo an toàn cho khách. Tôi chỉ ngại lượng tài xế giảm theo mùa dịch thì sẽ khó cho quán," chị cho biết.
Không để cuốc xe mùa dịch thêm nặng gánh những nỗi lo
Vừa thả khách xuống trước cửa một tòa nhà văn phòng, anh H.Đăng gạt chống, xuống xe, nhanh chóng lau mặt ghế sau bằng khăn ướt có cồn, rửa tay với nước sát khuẩn, rồi mới nhận cuốc mới trên điện thoại. Anh trần tình, "Mùa dịch mà, ai cũng lo, cũng căng thẳng. Mình cẩn thận hơn thì vừa tốt cho mình, vừa lợi cho khách. Anh em tài xế tụi tôi thấy vậy chứ chuẩn bị đầy đủ lắm: khẩu trang, nước rửa tay, có người trang bị luôn găng tay. Đồng phục cũng giặt thường xuyên hơn. GoViet cũng vừa ra thông báo sẽ phát miễn phí 2 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn cho anh em tài xế, trong thời buổi khẩu trang khó kiếm lại còn đắt đỏ vầy thì còn gì bằng. "
Các anh em tài xế công nghệ đều rất chủ động trang bị đầy đủ "đồ nghề" để chống dịch Covid-19
Theo anh Đăng, hãng GoViet phát khẩu trang cho đối tác tài xế trong diện được tặng tại các máy bán hàng tự động ở thành phố. Mỗi tài xế nhận mã OTP từ hãng rồi nhập vào máy để nhận khẩu trang, không cần lo việc phải tập trung về văn phòng rồi xếp hàng để nhận, nên rất thuận tiện cho anh em tài xế. Anh cho biết mình cũng vừa nhận được thông tin về chương trình bảo hiểm GoShield. "Dù dịch bệnh là điều không ai muốn nhưng làm nghề này tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày thì việc bảo vệ cho mình, cho khách hàng và người thân cũng như có những phương án bảo vệ trước nếu lỡ không may mắc phải là điều rất cần thiết. Vậy nên chương trình hỗ trợ bảo hiểm này của GoViet khiến mình an tâm nhiều hơn khi làm việc", anh chia sẻ.
A.Hùng (đối tác tài xế GoViet, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) chia sẻ: "Đợt trước công ty hướng dẫn cách tự pha dung dịch rửa tay, đợt này phát khẩu trang, rồi có sản phẩm bảo hiểm Khiên chống virus Corona này nữa. Tài xế phải tiếp xúc nhiều trong mùa dịch, nên quan trọng là phải bảo vệ được mình và những người xung quanh. Thời buổi khó khăn này có được những hỗ trợ như vậy là thêm một phần sức giúp chúng tôi vững tâm hơn nhiều khi hàng ngày vẫn phải lao ra đường kiếm tiền mưu sinh."