Số quán nhậu ở nước ta ngày càng tăng và số người thường xuyên làm bạn với bia, rượu cũng ngày trở nên đông đảo, chủ yếu trong độ tuổi lao động. Và sau nhiều cuộc vui như thế, có không ít người vào bệnh viện, thậm chí đã phải "theo ông bà" vì loại thức uống nguy hiểm này.
Uống một ít rượu vang sẽ tốt cho sức khỏe, nhưng nếu lạm dụng bia rượu, hậu quả sẽ khó lường.
Tiệc tùng, cũng như ngày lễ, tết khó tránh khỏi rượu, bia, đối với những người nghiện thì đây lại là cơ hội "thỏa sức". Tuy nhiên, mỗi người chúng ta cần biết rõ cơ thể của mình chịu đựng được bao nhiêu rượu để giữ cho cuộc vui được trọn vẹn, tránh tình trạng "rượu vào lời ra" cũng như tránh những cuộc ẩu đả có thể gây chết người hay những hậu quả khó lường từ việc uống quá nhiều, uống phải rượu dỏm... Dưới đây là những thông tin liên quan đến việc uống rượu và ngộ độc rượu:
Việc say rượu phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
Tùy thuộc vào cơ thể mỗi người, có người uống ít đã say, có người uống nhiều lại không say.
- Uống càng nhiều, nồng độ rượu trong máu càng cao.
- Uống nhâm nhi hay uống ừng ực, uống 3 ly trong 1 giờ khác với uống 3 ly trong 1 buổi chiều.
- Uống khi đói hay no (bởi vì thức ăn trong dạ dày làm rượu chuyển vào máu chậm hơn).
- Bạn đang uống loại rượu nào, "nặng" hay "nhẹ".
- Độ carbonate của rượu: Rượu sâm-banh (champagne) có lượng carbonate cao nên dễ ngấm vào cơ thể hơn các loại khác.
- Trọng lượng cơ thể: Tốc độ rượu chuyển vào máu ở người nhẹ cân nhanh hơn người nặng cân.
- Người cao tuổi dễ say hơn người ít tuổi. Và ngộ độc rượu nghiêm trọng thường xảy ra nhiều ở trẻ em, trẻ dưới 5 tuổi: liều rượu gây chết người ở trẻ khoảng 5g/kg cơ thể, bằng 1/2 liều đối với người lớn.
Các biểu hiện chính của ngộ độc rượu
Trạng thái thần kinh, cử chỉ, hành động của chúng ta phụ thuộc vào nồng độ rượu trong máu.
Giai đoạn đầu (nồng độ rượu: 1-2g/l):
- Khí chất người say ở giai đoạn này rất hay thay đổi, đi từ vui, buồn, thậm chí đến hung hăng.
- Nói năng lộn xộn: Thích giao tiếp, nói nhiều, sôi nổi, nông cạn, thích cá cược, hứa hẹn khờ dại, tâm sự, khóc lóc kể lể...
- Khó kiềm chế những cử chỉ và hành động của mình.
Giai đoạn hai (nồng độ rượu > 2g/l):
- Ngủ li bì, có cái nhìn lờ mờ, ngây dại.
- Giảm và mất khả năng vận động tự chủ như không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài...
- Không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người...
- Song thị, giãn đồng tử hai bên và thị lực.
- Không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được.
- Thở nhanh nông, tim đập nhanh, huyết áp hạ...
- Buồn nôn, nôn.
Giai đoạn hôn mê (nồng độ rượu luôn > 3g/l):
- Say chí tử, sẽ không còn nhớ gì khi thức dậy.
- Mất phản xạ gân xương, mất cảm giác.
- Đồng tử giãn, huyết áp hạ, hạ nhiệt độ, hạ đường huyết.
- Tiểu nhiều.
- Thở rống, vang kèm ứ dịch tiết ở đường thở và giảm thông khí phế nang.
Có hai loại:
Ngộ độc mãn tính, xảy ra với những người nghiện rượu.
- Ngộ độc mãn tính, xảy ra với những người nghiện rượu.
- Ngộ độc cấp tính, thường phải nhập viện do uống quá nhiều rượu hoặc uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng chứa độc tố methanol gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mức cho phép trong khi chất hóa học độc hại này thường dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ…
Xử trí
- Nếu nồng độ rượu trong máu dưới 3g/l, dã rượu bằng phương pháp dân gian, nằm nghỉ càng lâu càng tốt.
- Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa).
- Tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái.
- Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai và mắt, loạn nhịp tim, phải đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Điều trị như thế nào?
Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ áp dụng nhiều biện pháp để điều trị cho các ca ngộ độc rượu. Chẳng hạn:
+ Theo dõi huyết áp, mạch, nhịp thở, nhiệt độ thường xuyên.
+ Giảm độc tố của rượu: tăng chuyển hóa rượu bằng nhiều cách khác nhau, đầu tiên là các loại đường glucid, fructose, glucose để giảm nhanh nồng độ rượu trong máu, chậm đi sự hấp thu rượu.
+ Thông đường thở, cho thở ô-xy, bóp bóng, máy thở hỗ trợ nếu cần, để loại nhanh cồn ethylic.
+ Nếu bệnh nhân hôn mê:
- Xoay trở thường xuyên 2 giờ/lần để chống loét.
- Đặt thông tiểu để theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân.
- Hút dịch tiêu hóa.
- Làm ấm từ từ cơ thể, nếu hạ nhiệt độ.
- Rửa dạ dày bằng than hoạt tính hoặc muối kiềm.
- Sử dụng thuốc lợi tiểu.
- Nếu vật vã: cho thuốc an thần nhưng rất thận trọng.
- Hỗ trợ tim mạch, ổn định huyết áp; sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu...
Phòng tránh ngộ độc rượu
+ Tuyệt đối không uống rượu khi đói.
+ Không nên uống quá nhiều. Mỗi người chỉ nên uống một đơn vị rượu. Cụ thể:
- Bia (nồng độ 4%): chỉ nên uống từ 300-350ml.
- Rượu sâm-banh (nồng độ 11%): có thể uống khoảng 150-200ml.
- Rượu màu có mùi (nồng độ 17-20%): uống khoảng 50ml.
- Rượu trắng nặng (nồng độ 35-40%) chỉ nên uống khoảng 25ml.
- Khi say rượu, tìm cách gây nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má.
Các hậu quả do rượu
- Viêm gan cấp do rượu.
- Xơ gan.
- Ung thư gan.
- Viêm loét đường tiêu hóa.
- Viêm tụy cấp sau một bữa ăn thịnh soạn có rượu.
- Suy giảm trí tuệ, rối loạn tâm thần.
Trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở.
- Trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở.
- Người lớn tuổi hay người có bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Vì vậy, nếu xử trí ngộ độc rượu tốt mà bệnh nhân không tỉnh, phải tìm ngay nguyên nhân sọ não.
- Khi say rượu, ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn. Đây là lý do làm người bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày và rất tốn kém.
- Ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình do tốn kém tiền bạc và mất thời gian, có nhiều trường hợp không kiềm chế được bản thân đã gây thiệt mạng và ngồi tù...