Trong khi doanh nghiệp trong nước đang “chao đảo” vì dịch tả heo châu Phi bởi giá trị của đàn lợn hiện nay đang chiếm 52% toàn ngành chăn nuôi, thì các doanh nghiệp ngoại lại đang “sốt sắng” bành truớng và tận dụng các lợi thế để phát triển trong chăn nuôi Việt Nam.
Cuối tháng 4, Tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc New Hope Group cho biết họ vừa xây dựng 3 trang trại chăn nuôi heo ở Thanh Hoá, Bình Phước, Bình Định với số vốn 3.800 tỉ đồng.
Theo kế hoạch của tập đoàn New Hope, các trang trại chăn nuôi sẽ được xây dựng và nhanh chóng hoàn thành vào năm 2021, cho năng suất xuất chuồng trung bình 930.000 con heo mỗi năm, bất chấp sự lây lan phức tạp của các căn bệnh xuất hiện ở lợn thời gian gần đây tại khu vực Đông Nam Á.
Việc Việt Nam tham gia vào CPTPP đang khiến chăn nuôi trở thành ngành có sức hút lớn với các nhà đầu tư ngoại. Ảnh: Chế biến gia cầm tại Nhà máy thực phẩm C.P
Kế hoạch đầu tư dự kiến sẽ là bước đi mở rộng dấu ấn của tập đoàn này đến các nước khu vực Đông Nam Á, New Hope Group bước lên vị trí hàng đầu trong 8 các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại thị trường Việt Nam, nơi đã cung cấp hơn 700.000 tấn thức ăn chăn nuôi chỉ riêng năm 2018.
Kế hoạch này được tiến hành trong bối cảnh thị trường thịt lợn Việt Nam đang lao đao vì dịch tả heo châu Phi đã lan rộng ra ít nhất 17 tỉnh miền phía Bắc với 239 ổ dịch tính đến tháng 2 năm 2019.
Trước đó, Công ty TNHH De Heus (thuộc Tập đoàn De Heus, Vương quốc Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn (tỉnh Bình Phước, VN) đã ký kết biên bản ghi nhớ về thỏa thuận liên doanh hợp tác thành lập Công ty cổ phần phát triển heo giống cao sản Đắc Lắc DHN.
Dự án có công suất chăn nuôi 2.400 con heo cụ kỵ (GGP) và ông bà (GP), chia làm 4 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư khoảng 22 triệu USD (tương đương 500 tỷ VND). Sau khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 22.000 con heo ông bà (GP) và bố mẹ (PS).
Không đứng ngoài cuộc đua, tập đoàn Charoen Pokphand Food (CP Food) của Thái Lan cũng đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
“CP Foods sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chiếm 15% trong tổng doanh thu của công ty, bằng cách đầu tư thêm vào các nhà máy chế biến thịt. Cụ thể, nhà máy chế biến gia cầm hoàn thành sẽ có công suất chế biến 1 triệu con gà mỗi tuần. Như vậy, công ty CP đã đầu tư tổng cộng 1 tỉ USD vào Việt Nam kể từ năm 1993”, ông Montri Suwanposri, CEO của CP Vietnam, một đơn vị của CP Food cho biết.
Trên thực tế, việc Việt Nam tham gia vào CPTPP đang khiến chăn nuôi trở thành ngành có sức hút lớn với các nhà đầu tư ngoại. Nhà phân tích tại Bualuang Securities, một công ty chứng khoán hàng đầu ở Thái Lan nhận địn: "CP Foods sẽ biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, để hưởng đặc quyền thuế và xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu thông qua CPTPP”.