Cảnh giác với đồ chơi trẻ em chứa Phthalate
Mới đây một loạt các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen không an toàn vì chứa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tại các nước phương Tây, các sản phẩm có chứa những chất độc hại này bị người tiêu dùng tẩy chay dữ dội. Tuy nhiên, với khoảng 80% đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc có mặt trên thị trường Việt Nam, người tiêu dùng nên cảnh giác với những loại đồ chơi trôi nổi và chưa được kiểm định chất lượng.
Theo Hệ thống cảnh báo nhanh các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm (RAPEX) của Liên minh châu Âu (EU), các món đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc mà tổ chức này “cấm cửa” tại thị trường EU là những sản phẩm có chứa chất phthalate, thường tấn công người dùng qua đường hô hấp và nếu trẻ ngậm, nhai càng nguy hiểm hơn.
Trong dự thảo soát xét Quy chuẩn về An toàn đồ chơi trẻ em, Phthalate được đưa vào quản lý giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại
Trước đó, tổ chức này cũng đưa ra khuyến cáo những miếng dán đồ chơi hoạt hình Trung Quốc nằm trong danh sách nguy hiểm. Ngoài chất Phthalate, lượng cadmium trong các món đồ chơi này vượt quá cao so với mức an toàn. Đặc biệt, cadmium nếu tích lũy trong cơ thể sẽ làm hỏng các cơ quan, thậm chí dẫn đến ung thư.
Tại Việt Nam, kết quả kiểm nghiệm miếng dán đồ chơi Trung Quốc của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) cho thấy, chất Phthalate vượt ngưỡng an toàn cho phép 480 lần. Sản phẩm bóng hơi của Trung Quốc cũng có hàm lượng phthalate vượt mức cho phép gấp 400 lần. Trước đó, mẫu búp bê đầu hình trái cây qua thử nghiệm của cơ quan này cũng cho kết quả chất phthalate quá cao. Chuyên gia của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng từng đưa ra khuyến cáo, với những đồ chơi vượt quá mức an toàn cho phép của những hóa chất độc hại như phthalate, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua.
Theo chuyên gia hóa học Đặng Trần Côn, phthalate là hóa chất được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp nhựa và được phát hiện là một trong những nguyên nhân gây rối loạn nội tiết, đặc biệt là hệ sinh dục nam giới...
Theo các chuyên gia, với những mẫu có hàm lượng các chất độc hại này gấp hàng trăm, mấy trăm lần cho phép, không chỉ gây độc hại cho trẻ khi ngậm hay cầm, nắm mà còn có thể gây nhiễm độc qua đường hít thở không khí. Khi đó, hệ miễn dịch và thần kinh của trẻ có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Lập thêm "hàng rào" ngăn chất độc hại trong đồ chơi cho trẻ em
Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, từ năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành QCVN 03:2009/BKHCN Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em. Trong quy chuẩn này quy định các yêu cầu về chỉ tiêu cơ lý, yêu cầu về khả năng chống cháy, về giới hạn xâm nhập của các độc tố cũng như yêu cầu về các hợp chất hữu cơ có trong đồ chơi trẻ em cùng các phương pháp thử tương ứng và yêu cầu về quản lý.
"Tuy nhiên, do tính chất đa dạng của sản phẩm đồ chơi cũng như sự phát triển không ngừng của mặt hàng này nên sau thời gian gần 10 năm áp dụng, nội dung của quy chuẩn này đã không còn đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về quản lý và cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp', bà Hà cho biết.
Bên cạnh việc bổ sung yêu cầu cho tính an toàn của đồ chơi có nam châm và từ tính, đồ chơi cánh quạt, chong chóng, đồ chơi dùng điện... thì trong thời gian vừa qua, vấn đề an toàn hóa cho sản phẩm đồ chơi đặc biệt được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em, là đối tượng chính sử dụng đồ chơi. Một trong các chỉ tiêu được quan tâm nhiều hơn cả là hàm lượng một số este phthalate có trong các vât liệu bằng chất dẻo của đồ chơi mà qua thực tế kiểm tra có nhiều đồ chơi không đáp ứng yêu cầu an toàn.
Do đó, trong dự thảo soát xét, bổ sung QCVN 03:2009/BKHCN, Phthalate được đưa vào quản lý giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại. Theo đó đồ chơi trẻ em đạt chuẩn không được có hàm lượng Phthalate vượt quá 0,1 %.
"Việc sửa đổi này là vô cùng cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em trên thị trường tránh bỏ sót những sản phẩm gây mất an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng', bà Hà cho hay.
Đánh giá về việc quản chặt hơn các chất độc hại có trong đồ chơi nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn cho trẻ nhỏ, theo các chuyên gia y tế đây là việc cần thiết và cấp bách nhằm ngăn chặn tác hại khôn lường của chất này trong đồ chơi dành cho trẻ nhỏ.
Hiện, dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em - soát xét QCVN 03:2009/BKHCN đang được lấy ý kiến rộng rãi để dự thảo quy chuẩn được hoàn thiện trước khi ban hành.