Theo số liệu từ Hiệp hội ôtô Myanmar, số lượng xe mới bán ra ở nước này năm 2019 là 21.916 xe, tăng gấp năm lần so với ba năm trước đó. Con số này chưa bao gồm xe Trung Quốc, bởi các hãng này không phải là thành viên của hiệp hội. Nhưng theo ước tính của ngành xe hơi, doanh số hàng năm của xe Trung Quốc vào khoảng 2.000-3.000 chiếc, tương đương 10% thị phần của Myanmar và tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Các hãng xe Nhật Bản đang sở hữu thị phần lớn nhưng cũng rất thận trọng để mắt đến các đối thủ mới, đặc biệt là Trung Quốc. Quản lý của một thương hiệu Nhật Bản cho biết: "Các hãng Trung Quốc có khả năng mở rộng đại lý nhanh chóng và thu hút được sự chú ý của khách hàng ở Myanmar."
Soe Thant Zaw cũng nói thêm rằng: "Chất lượng xe Trung Quốc đã cải thiện rất nhiều trong những năm qua. Họ có thể cạnh tranh với xe Nhật – vốn đang sở hữu thị phần lớn". Soueast Motor đã mở thêm một nhà máy ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, năm 2019.
Soueast Auto hiện vận hàng tám showroom. "Trước đây, người dân ở Myanmar chỉ biết đến Toyota. Nhưng thế hệ trẻ - những người ở độ tuổi 30 hoặc 40 – lại rất thích những chiếc xe mới. Đồng thời, họ không quan tâm tới thương hiệu mà tìm hiểu kĩ chất lượng và chức năng có trên xe", Soe Thant Zaw nói.
Trung Quốc là nơi sở hữu 30% doanh số ôtô toàn cầu, nhưng đối mặt với thị trường nội địa hoạt động chậm chạp, lên đến đỉnh điểm vào năm 2017. Do đó, nhiều hãng chuyển sản xuất sang các thị trường châu Á mới nổi trong những năm gần đây, trong đó có Myanmar.
Những chiếc SUV của Trung Quốc rất phổ biến tại Myanmar, nơi điều kiện đường xá kém và mức giá lý tưởng trong khoảng 20.000-30.000 USD.
Vào cuối tháng 2, Tập đoàn ôtô Quảng Châu (GAC) và Brilliance Auto đã tham gia Triển lãm ôtô quốc tế Yangon lần thứ hai nhằm thu hút thêm khách hàng tiềm năng. Brilliance bắt đầu sản xuất SUV vào tháng 6/2019 tại một nhà máy ở Yangon và đã bán được hơn 200 xe trong khoảng 8 tháng, theo một nhân viên bán hàng tại showroom địa phương.
Tháng 8/2019, Shining Star Group, một tập đoàn có trụ sở tại Vân Nam, cũng đã mở một nhà máy lắp ráp xe khách Changhe và Chery gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar.
Chính phủ Myanmar bắt đầu mở cửa nền kinh tế sau khi nước này chuyển sang chế độ dân sự vào năm 2011. Ôtô nhập khẩu, thứ mà trước cải cách vốn chỉ giới thượng lưu mới có thể sở hữu, không còn bị hạn chế như trước. Kết quả là xe Nhật cũ ồ ạt tràn về.
Đến 2018, Chính phủ cấm nhập khẩu xe đã qua sử dụng và thúc đẩy sản xuất ôtô mới trong nước nhằm thu hút các hãng nước ngoài. Ngoài ra, để khuyến khích xe lắp ráp, chính phủ miễn thuế hàng hóa đặc biệt và lệ phí trước bạ. Trong khi đó xe nhập vẫn bị áp những thuế, phí này, khiến giá xe tăng gấp đôi.
GAC giới thiệu chiếc GS5 tại triển lãm ô tô Yangon lần thứ hai. Ảnh: Yuichi Nitta/Nikkei
Để tiếp tục hạn chế xe nhập khẩu, chính phủ yêu cầu người mua phải có "giấy chứng nhận huỷ bỏ xe" (Scrap Certificate). Chi phí khoảng 9.000 USD, và đương nhiên không áp dụng với khách mua xe lắp ráp.
Nhu cầu về phương tiện cao đến nỗi Chính phủ đã ngừng cấp giấy phép đỗ xe cho khu vực Yangon bị tắc nghẽn vào năm 2016.
Về phía các hãng xe Nhật, Suzuki đã sản xuất xe lắp ráp trong nước trước các đối thủ mới. Trong các cuộc cạnh tranh sắp tới, hãng đã tuyên bố sẽ xây dựng thêm nhà máy mới ở Myanmar và mở rộng sản xuất hàng năm lên gấp bốn lần, ước tính tới 55.000 chiếc. Toyota cũng bắt đầu xây dựng một nhà máy ở đây, nhằm bắt đầu sản xuất vào năm 2021.