Đặc điểm của khí hư sinh lý
Khí hư là hỗn hợp của dịch tiết niêm mạc âm đạo, các tuyến nội mạc tử cung và dịch tiết tuyến cổ tử cung. Ở trạng thái bình thường khí hư có những đặc điểm sau:
- Không có màu, trong suốt như lòng trắng trứng, hoặc màu hơi trắng;
- Hơi dính, không vón cục, không loảng hay quánh đặc;
- Không có mùi hoặc mùi rất nhẹ nhưng không gây khó chịu;
- Lượng khí hư tiết ra bị ảnh hưởng bởi nồng độ hormone, tiết rất ít vào những ngày thường, tiết nhiều hơn trong ngày rụng trứng, trước chu kỳ kinh nguyệt và thai kỳ, hoặc khi có kích thích tình dục.
Nếu khí hư của bạn có mùi khó chịu, tiết nhiều bất thường, điều đó có nghĩa là cơ thể bạn đã báo động dấu hiệu của bệnh phụ khoa.
Khí hư bình thường không có màu, trong suốt như lòng trắng trứng
Thủ phạm khiến khí hư ra nhiều và có mùi hôi
1. Viêm âm đạo
Viêm âm đạo là bệnh phụ khoa mà đa số chị em mắc phải ít nhất một lần trong đời. Triệu chứng đặc trưng là khí hư ra nhiều bất thường, ngứa rát và sưng đỏ âm đạo… Bệnh do rất nhiều nguyên nhân gây ra (nấm, vi khuẩn, ký sinh trùng…) nên việc điều trị cần căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể:
- Nếu khí hư ra nhiều, vón cục như bã đậu, có mùi chua như lên men kèm ngứa ngáy khó chịu thì đây có thể là dấu hiệu viêm âm đạo do nấm Candida.
- Nếu khí hư có mùi hôi tanh như cá chết thì có thể bạn đang bị viêm âm đạo do vi khuẩn.
- Viêm âm đạo do Trichomonas cũng là nguyên nhân khiến cho khí hư tiết ra nhiều, có mùi tanh rõ rệt và thường có bọt.
Khi âm đạo bị viêm, khí hư sẽ có mùi hôi, màu sắc thay đổi
2. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư xảy ra trong các tế bào của cổ tử cung – phần dưới của tử cung kết nối với âm đạo. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung tiến triển bao gồm:
- Dịch âm đạo chảy nước, có máu và có mùi hôi.
- Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.
- Chảy máu âm đạo sau khi giao hợp, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
3. Bệnh viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là tình trạng viêm các cơ quan sinh dục bên trong khoang chậu, bao gồm tử cung, vòi trứng, buồng trứng, dây chằng rộng. Ra nhiều khí hư có mùi hôi, đau ở vùng bụng dưới và vùng chậu, chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ… là các biểu hiện của bệnh.
Ra nhiều khí hư có mùi hôi là một trong những biểu hiện của viêm vùng chậu
Phụ nữ nên làm gì để ngăn ngừa khí hư có mùi hôi tiết ra nhiều?
Để ngăn ngừa khí hư bệnh lý, chị em cần quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh vùng kín hằng ngày:
1. Làm sạch vùng kín hàng ngày
Vùng kín cần được làm sạch mỗi ngày bằng dung dịch vệ sinh thích hợp. Bạn cần chọn lựa và sử dụng dung dịch vệ sinh có thành phần thảo dược tự nhiên an toàn, dịu nhẹ, độ pH phù hợp với sinh lý vùng kín (pH từ 3.8 - 4.5) để duy trì sự cân bằng hệ vi sinh bên trong âm đạo. Tuyệt đối không thụt rửa âm đạo hoặc sử dụng xà phòng hay các loại chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín.
Chọn dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp với sinh lý vùng kín
2. Sử dụng băng vệ sinh đúng cách
Không nên lạm dụng băng vệ sinh hằng ngày vì dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí phát triển gây viêm nhiễm. Chị em chỉ nên sử dụng băng vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt và lưu ý thay băng vệ sinh 4 - 5 giờ một lần
3. Mặc đồ lót thoải mái
Các loại đồ lót có chất liệu vải, bó sát sẽ làm tăng nhiệt độ và độ ẩm của âm đạo, có lợi cho sự phát triển và sinh sản của nấm, vi khuẩn. Vì vậy, tốt nhất bạn nên sử dụng đồ lót có chất liệu cotton và mặc vừa size với cơ thể.
4. Quan hệ tình dục đúng cách
Khi quan hệ tình dục, bạn nên sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn để ngăn ngừa một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Hãy quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy với một bạn tình, lựa chọn cách quan hệ phù hợp.
5. Đi khám phụ khoa định kỳ
Phụ nữ, nhất là phụ nữ đã lập gia đình nên khám phụ khoa định kỳ mỗi năm 2 lần. Khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp chị em sớm phát hiện được bất thường và điều trị tích cực khi bệnh còn nhẹ.