Nghe đứa cháu chồng kể rằng ở huyện Phú Tân vào mùa nước nổi, đám nhỏ ngồi trên nhà sàn thả cần câu xuống nghịch cũng câu được đám cá linh ham mồi ở dưới. Và cũng chỉ cần một tai lưới thả phía sau nhà thì suốt mùa đó cá linh có dư để làm mắm ăn cả năm. Nghe mà phát mê. Kể từ đó tôi ủ mưu đi An Giang mùa nước nổi nhưng rồi gần 10 năm qua vẫn chưa có dịp đến. Thế rồi một bữa nọ, đang làm, bỗng người yêu kiếp trước rủ rê: "Mình đi Trà Sư đi, mùa này là mùa nước nổi đó". Ừ liền, suy nghĩ chi cho mất thời gian.
Dù không đẹp bằng bèo cám nhưng bèo dâu tây cũng phủ một màu xanh mát mắt cho rừng tràm Trà Sư
Sen nở hồng trong rừng tràm xanh
Mùa nước nổi nên dọc đường đi từ TP Châu Đốc đến rừng tràm Trà Sư là những cánh đồng, bưng mênh mông nước. Các chòi nhỏ dựng ven đường đặt rổ, thau chất đầy những con ốc đồng béo ú, vỏ đen bóng bán cho du khách. Rồi sẽ có không ít khách ngạc nhiên như tôi khi thấy một cặp ngỗng hồng bơi tung tăng trên cánh đồng cùng một đám vịt nhà. Hỏi một "thổ địa" đi cùng thì được biết là không chỉ có hồng mà còn có thể có ngỗng xanh. Lý do đơn giản chủ nhà "trang điểm" chúng màu hồng để phân biệt với con…của hàng xóm.
Đường vào rừng tràm yên bình với những cây rơm dọc đường
Cặp ngỗng hồng tung tăng trong mùa nước nổi
Núi Cấm bao bọc rừng tràm
Từ vọng đài ở rừng tràm nhìn sang núi Sam
Bạt ngàn là màu xanh của tràm
Vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư mới mở cửa đón du khách tham quan. Đi tắc ráng vào rừng tràm khách mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên mùa này. Bèo tấm, bèo dâu tây sinh sôi nảy nở ngập khắp mặt nước khi đập Tha La xả lũ, tháo chua rửa phèn có nước ra vào, lưu thông. Lúc chúng tôi đi, đập chưa được mở nên nước vẫn còn ít, nước không trong xanh và bèo tấm chưa có.
Người chèo ghe đưa chúng tôi đi tham quan vườn tràm cứ tiếc hùi hụi vì khách đi không đúng lúc dù nhóm chúng tôi đang mãn nhãn và bị ngợp trước vẻ xanh rờn của đám bèo trước mặt. Chúng tôi tận hưởng cái không khí trong lành, mát mẻ trong tiếng chèo ghe nhẹ và nghe rộn rã tiếng kêu, hót của đám chim chóc; tiếng vỗ cánh bay chới với đậu lên một cành cây của mấy con chim giật mình trước đám người lạ làm khách càng ngẩn ngơ dõi theo.
Rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi. Clip: Phúc Điền
Đường từ bến phà Châu Phong đi búng Bình Thiên (huyện An Phú) đầy những cây hoàng yến nở hoa vàng hai bên đường
Hoàng hôn trên búng Bình Thiên
Mùa nước nổi, búng Bình Thiên trở nên lung linh hơn. Khi hoàng hôn đến, những tia nắng vàng cuối ngày hắt xuống nước những vệt sáng vàng phản chiếu làm mặt nước óng ánh. Đường vào búng có thể làm bạn chết mê chết mệt với các bến nước nhỏ bên dưới, nơi bọn trẻ chơi đùa dưới nước và đây đó vài những mảnh đất trống bên dưới là táng cây có cái chòi be bé, trên đó là một vài cái võng bỏ không trong gió chiều hiu hiu.
Trời chiều trở nên huyền ảo, thanh bình và an nhiên hơn với một vài chiếc ghe đang cố lưới cá trên hồ trước khi trời tối hẳn. Lòng người sẽ tím rịm trong buổi chiều tà ngắm búng yên bình và tĩnh lặng bên giề lục bình trôi. Nếu muốn hưởng thú sầu vạn cổ, bạn có thể thuê một chiếc ghe thả xuôi dòng, nghe câu cải lương văng vẳng từ đâu đó rồi gặm nhấm nỗi buồn trong đêm cô tịch trên hồ nước bao la này.
Mớ rau núi hơn chục loại dùng để ăn bánh xèo tại chân núi Thất Sơn
Một đĩa bánh xèo và rau núi này có giá 20.000 đồng
Về mùa này bạn mới có thể thưởng thức cá linh-đặc sản của "đặc sản" nước nổi. Ở các quán cơm ven đường hay quán hạng sang đều cùng một thực đơn với món lẩu cá linh, bông điên điển; cá linh kho tiêu, cá linh chiên bột…"Thổ địa" ở An Giang còn bày món mới dễ làm nhưng cực kỳ tốn mồi nữa là kiếm cá linh to chiên xù, cuốn bánh tráng ăn cùng nước mắm me mới là tuyệt đỉnh của món cá linh.
Dù có 2 ngày ngang dọc ở Châu Đốc, Tịnh Biên nhưng tôi vẫn thòm thèm được ghé lại những ngôi nhà sàn ven đường, được thấy trai đẹp quấn xà rông và ngắm đôi mắt hút hồn của các thiếu nữ người Chăm. Mới đi đó mà lòng đã nhớ. Thiệt là khó hiểu quá đi.
Bông điên điển xào tép này thì mùa nào cũng có (Ảnh: Phúc Điền)
Riêng món lẩu cá linh cùng bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi (Ảnh: Phúc Điền)
Bữa cơm đạm bạc (Ảnh: Phúc Điền)