Vỡ nợ vì “vàng đen”
Tình trạng hàng ngàn diện tích cây tiêu bị chết trắng đã xảy ra hơn 2 năm qua. Tiêu chết trắng, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang, người dân rơi vào cảnh có đất mà lại bỏ hoang vì không biết “trồng cây gì, nuôi con gì” vì sợ vỡ nợ như tiêu. Trước thảm cảnh ấy, dường như chính quyền vẫn chưa thể có được những giải pháp tối ưu nào để định hướng cho nông dân.
Có mặt tại nhà ông Đặng Bá Binh (58 tuổi, trú tại thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh), chúng tôi không khỏi xót xa khi nghe câu chuyện ông Binh kể: “Trước đây gia đình tôi ở Bình Định kinh tế khó khăn nên chuyển lên Gia Lai để lập nghiệp. Ở đây đất đai màu mỡ nên mấy năm đầu làm ăn được mùa lắm, sau đó thấy bà con đổ xô qua trồng tiêu nên tôi cũng chuyển toàn bộ diện tích 4 sào đất từ bắp, mì sang trồng 600 trụ tiêu.
Thời đó, gia đình có khoảng 600 trụ thôi nhưng có năm thu nhập lên đến 300 triệu đồng tiền thu hoạch tiêu, vậy là gom góp, vay mượn thêm để xây nhà. Nhà vừa xây xong cũng là lúc tiêu ngả màu và “chết trắng”. Không đủ tiền trang trải, lại phải trả lãi ngân hàng hơn 100 triệu đồng, rồi nợ bên ngoài, tiền chi phí sinh hoạt, thuốc men... nên cô con gái út chuẩn bị lên lớp 10 cũng phải nghỉ học đi làm thuê vì không có tiền…”.
Nông dân thất thần bên những trụ tiêu chết trắng còn trơ lại cành khô
“Cũng không biết trồng cây gì ngoài tiêu, nên đầu năm 2017 tôi lại đầu tư thêm 30 triệu, rồi vay mượn bên ngoài để trồng thêm 100 trụ. Tuy nhiên tiêu phát triển chậm lắm, rồi không biết mai đây có chết nữa không, nhưng giờ không trồng tiêu thì biết trồng gì được, lấy cái gì ăn...”, ông Binh buồn rầu nói.
Nhìn những“nghĩa địa” tiêu bên ngôi nhà bị bỏ hoang, chúng tôi đang nghĩ về số phận của những con người lang thang nơi mảnh đất lạ tìm miếng cơm qua ngày và những đứa trẻ có thể bị nghỉ học bất cứ lúc nào. Trò chuyện với ông Hồ Hiếu (49 tuổi, trú tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh), chúng tôi được biết hiện tại anh đang phải nuôi 4 người con ăn học còn vợ anh đang phải làm công ty ở Bình Dương để trả nợ.
Anh Hiếu trải lòng: “Năm 2000, tôi bán hết nhà cửa, ruộng vườn ở quê (Huế) để vào Gia Lai lập nghiệp. Cũng nhờ trời phù hộ, sau mấy năm cũng xây được nhà cửa khang trang, khi ấy một mùa tiêu trừ hết chi phí cũng thu về hơn 200 triệu.
Những "nghĩa địa" tiêu trên địa bàn huyện Chư Pưh
“Sau đó thấy lời nên tôi tiếp tục mở rộng diện tích, đưa tổng số trụ lên 1500 trụ ai ngờ tự dưng đổ bệnh, vàng lá, thối rễ rồi chết hàng loạt vậy đó. Giờ chỉ còn 400 trụ, trụ sống trụ chết mà số tiền nợ ngân hàng rồi nợ bên ngoài đã gần 300 triệu rồi, tiễn lãi hàng tháng, tiền cho con ăn học không biết xoay sở ra sao, vợ chồng phải chia ra để làm ăn để trả nợ mà vẫn không đủ...”, ông Hiếu tâm sự.
Dân thử vận "may rủi" bằng cây ăn quả
Sau khi tiêu chết hàng ngàn diện tích bỏ không, người dân vẫn đang loay hoay để tìm cây trồng khác thay thế chứ không giám trồng tiêu lại. Ông Nguyễn Đình Nhiên (53 tuổi, xã Ia Blứ, Chư Pưh) bộc bạch: “Hơn 1600 trụ tiêu chết trắng, ước tính thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Giờ đây tôi xem thông tin nên đã mua 300 cây giống bơ trên mạng để trồng thử. Nhưng tôi đang rất lo về thổ nhưỡng, khí hậu liệu có hợp và đầu ra của sản phẩm…”.
“Tôi rất muốn chính quyền có thể hướng dẫn, phân tích cho tôi về cách trồng các loại cây ăn trái, cây ngắn ngày để cùng với nông dân giải quyết khó khăn trước mắt. Vừa tránh được những cái chết trắng hay là bể nợ như cây tiêu…”, ông Nhiên chia sẻ.
Để khôi phục từ vườn tiêu chết, nhiều gia đình đã chọn cây ăn quả để thử "may rủi"
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long Khánh – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết: “Diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện là 2.800 ha, những năm qua do thời tiết diễn biến thất thường, nắng hạn... nên dịch bệnh xuất hiện tràn lan trên cây hồ tiêu. Cũng chính vì vậy mà hàng nghìn hecta tiêu bị chết trắng trụ, nhiều hộ nông dân trở thành con nợ, bỏ xứ đi làm ăn xa...Tháng 12 vừa rồi, chúng tôi cũng mới đề nghị bên ngân hàng rà soát chỉ đạo khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi cho bà con.
Ông Khánh cho biết thêm, bên cạnh đó chúng tôi cũng đang xây dựng dự án hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, khuyến cáo nông dân luân chuyên cây trồng từ 2-3 năm đợi diệt hết mầm bệnh trong đất trước khi trồng lại vườn tiêu mới. Một số cây trồng mà huyện đang khuyến khích nông dân xen canh như: Bơ, sầu riêng, cam...
Bước đầu đổi từ tiêu qua cây ăn quả đã cho những thành công
Được biết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh đã có chủ trương khuyến khích bà con trồng xen canh, luân canh cây ăn quả từ năm 2013. Theo đó, đã có những dấu hiệu đáng mừng khi một số vườn cây ăn quả của các hộ đã có được thu nhập khá: như vườn mít Thái của anh Đào Thanh Khơ (thôn Tung Blai, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, vườn xen canh bơ và sầu riêng của ông Nguyễn Tấn Dũng (xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) cũng cho thu về 500 triệu/năm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư sê cho biết, việc tiêu chết hàng loạt như những năm qua là do rất nhiều nguyên nhân: Như thời tiết, dịch bệnh, nắng hạn... Diện tích cây hồ tiêu tại huyện Chư Sê hiện nay là 3.750 ha. Tuy nhiên vì tiêu chết lại rớt giá mạnh nên nông dân đã không áp dụng theo phương hướng độc canh cây tiêu mà trồng xen các loại cây khác và luân canh cây ăn quả...
Hiện tại, trên địa bàn huyện đã có chuyển đổi một số cây trồng chủ lực như cà phê (8.000 ha), cao su (8.000 ha).
“Theo chúng tôi, với những diện tích tiêu chết hiện tại nếu bà con muốn trồng tiếp nên luân canh các cây trồng ngắn ngày để diệt mầm bệnh và cải tạo đất trước. Sau đó, thâm canh, xen canh các loại cây che bóng, tuyệt đối không nên trồng độc canh và nên ưu tiên chăm sóc theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó sử dụng các công nghệ tưới nước nhỏ giọt vừa giảm công lao động lại tiết kiệm được nguồn nước, đặc biệt không nên đổ xô trồng một số loại cây mới như cây nghệ, gừng...”, ông Hợp nhấn mạnh.