Mới đây, Thủ tướng ký Nghị quyết 84/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong đó, Thủ tướng đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3; thời gian gia hạn không muộn hơn 31/12.
Tuy nhiên, trong nghị quyết chưa ấn định rõ thời gian áp dụng việc giảm phí trước bạ. Trên thị trường, người mua xe đang có tâm lý “hoãn” giao dịch lại để chờ thời điểm giảm lệ phí trước bạ.
Chờ đợi nghị định mới
Trong nghị quyết mới ban hành, Thủ tướng có giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng một nghị định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định tại các nghị định liên quan để triển khai các nội dung giảm phí trước bạ, gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…
Chính phủ cũng cho phép xây dựng một nghị định mới theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch.
Dự kiến nhiều loại xe lắp ráp trong nước sẽ giảm giá lăn bánh khi được giảm lệ phí trước bạ. Ảnh: Hoàng Hà.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thời gian áp dụng việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi mua ôtô lắp ráp trong nước. Thời gian áp dụng tùy thuộc vào thời điểm Thủ tướng ký ban hành nghị định mới.
Trao đổi với Zing, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết nghị định đang trong giai đoạn xây dựng. Ngay sau khi Thủ tướng ký Nghị quyết 84/2019, cơ quan này đã tiến hành việc xây dựng dự thảo nghị định riêng để tạo hành lang pháp lý cho việc giảm lệ phí trước bạ khi mua ôtô lắp ráp trong nước.
“Hiện chúng tôi đã gần hoàn thiện dự thảo nghị định và đang chuẩn bị xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, sau đó Bộ Tư pháp sẽ thẩm định rồi trình Thủ tướng ký ban hành”, ông Thi nói.
Theo ông Thi, trong Nghị quyết 84/2020 của Chính phủ có cho phép xây dựng nghị định mới theo trình tự rút gọn để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Do đó, khi được hỏi khi nào nghị định mới được ban hành và áp dụng, ông Thi nói sẽ trong thời gian sớm nhất có thể.
“Tiến trình phụ thuộc vào việc các bộ cho ý kiến có nhanh hay không. Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ có lộ trình nhanh nhất”, ông nói.
Theo một số chuyên gia tư pháp, việc xây dựng một nghị định mới trong bối cảnh “thời chiến” của dịch Covid-19 có thể mất 2-3 tuần. Tuy nhiên, với cơ chế thủ tục rút gọn, việc xây dựng và ký ban hành có thể nhanh hơn.
Khách đợi giảm lệ phí trước bạ
Trên thị trường, hiện xuất hiện tâm lý chờ đợi thời điểm giảm lệ phí trước bạ của nhiều khách hàng mua xe. Theo tính toán, nếu giảm 50% lệ phí trước bạ, các dòng ôtô dưới 9 chỗ sản xuất trong nước sẽ được giảm một phần mức phí trước bạ được tính 10-12% giá xe tùy theo địa phương đăng ký.
Với một số dòng xe bán chạy hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ khiến giá xe giảm đi đáng kể. Với Toyota Vios, giá lăn bánh giảm từ 23-35 triệu đồng tùy theo phiên bản và địa phương đăng ký.
Ví dụ, giá lăn bánh mới của phiên bản 1.5E MT (3 túi khí) rẻ nhất tại TP.HCM và Hà Nội lần lượt là 516 và 521 triệu đồng, giảm 23 và 28 triệu đồng so với trước kia. Trong khi đó, Toyota Vios 1.5G CVT có giá lăn bánh mới 621 và 627 triệu đồng tại TP.HCM và Hà Nội, giảm 29 và 35 triệu đồng so với mức phí trước bạ cũ.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết chỉ số tồn kho ô tô tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Ảnh: Việt Linh. |
Với Hyundai Accent, giá lăn bánh của xe giảm 21-33 triệu đồng tùy phiên bản và nơi đăng ký. Tương tự, Hyundai Grand i10 sẽ có giá lăn bánh giảm 15-25 triệu đồng khi mức lệ phí trước bạ mới được áp dụng. |
Trong khi đó, với Mazda3, giá lăn bánh sẽ giảm 36-55 triệu đồng.
Với VinFast, dòng Fadil có thể giảm 20-24 triệu đồng, dòng VinFast Lux A2.0 có thể giảm khoảng 55-73 triệu đồng; dòng SUV VinFast Lux SA2.0 có thể giảm 79-100 triệu đồng.
Trao đổi với Zing, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đánh giá cao quyết định của Chính phủ và cho rằng đây là biện pháp quan trọng giúp kích cầu tiêu dùng trong nước. VAMA cũng mong muốn quyết định này sớm đưa vào cuộc sống, tạo chuyển biến thị trường.
Bộ Công Thương cho biết ngành công nghiệp sản xuất ôtô đang có sự suy giảm sâu do dịch Covid-19. Tháng 4, ngành này sụt giảm 23,8%, trong khi đó, tháng 5 sụt 26,9%. Báo cáo cập nhập nhất từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 4, các thành viên của VAMA chỉ bán được 10.816 xe, giảm 46% so với cùng kỳ 2019. Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết chỉ số tồn kho ôtô tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019.