Nông dân huyện Ninh Hải, nơi chuyên canh cây hành lấy củ ở tỉnh Ninh Thuận, đang thu hoạch vụ hành mùa hạ. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất hành đạt cao. Mỗi sào (1.000 m2) cho thu hoạch từ 1,5 đến gần 2 tấn.
Ông Trần Văn Trung ở xã Nhơn Hải có 2 sào hành vừa thu hoạch. Sau 45 ngày xuống giống, chăm sóc, vườn hành cho sản lượng hơn 3,1 tấn. Thương lái đến thu mua tại vườn với giá 40.000 đồng một kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình lãi trên 55 triệu đồng.
Ông Trung cho biết những năm trước, hành củ chỉ được mua với giá khoảng 20.000 đồng một kg, có lúc thấp hơn, nhưng năm nay giá tăng đột biến, lại được mùa.
Gia đình ông Lê Sanh, nông dân trồng hành ở xã Thanh Hải cũng cho biết chưa năm nào giá hành củ tím lại cao như vậy. Trung bình mỗi sào cho gia đình ông thu nhập 25 triệu đồng. "Cây hành sinh trưởng nhanh, khoảng 45-50 ngày là cho thu hoạch, mỗi năm làm được 5 vụ. Nếu giá cứ giữ mức như vụ mùa hạ này, nông dân an tâm mở rộng diện tích", ông Sanh nói.
Vườn hành tím ở xã Ninh Hải.
Chị Hoa, một thương lái mua hành ở địa phương cho biết, năm nay nhiều nơi giảm diện tích trồng hành, trong khi hành củ Ninh Thuận có chất lượng tốt, nên giá tăng vọt lên. Ngoài ra, hành củ giống của địa phương cũng đang hút hàng, vì giống hành hạt nhập khẩu mấy năm vừa qua không hiệu quả bằng giống trồng bằng củ. "Các nơi trồng hành ở miền Trung và khu vực lân cận đang có nhu cầu lớn đối với giống trồng bằng củ của Ninh Thuận, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lên", chị Hoa nói.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết toàn tỉnh có khoảng 600 ha hành. Trong đó, huyện Ninh Hải có diện tích lớn nhất với khoảng 470 ha. Đây là một trong những cây trồng đặc thù của địa phương, cùng với tỏi, nho và táo. Chất đất vùng ven biển Ninh Hải có hàm lượng kali, canxi cao, khí hậu nắng nhiều phù hợp để canh tác cây hành. Gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kỹ thuật chăm sóc mới, cây hành ở địa phương cho năng suất cao, củ giữ được lâu, được nhiều nơi ưa chuộng.