Mới đây, GoerTek - hãng chuyên lắp ráp tai nghe AirPods do Apple sở hữu tại Trung Quốc, đã thông báo cho các nhà cung cấp về dự định chuyển hoạt động sản xuất tai nghe không dây sang Việt Nam.
Theo Nikkei, dù đã có một cơ sở sản xuất tai nghe có dây cho iPhone tại miền Bắc Việt Nam nhưng công ty này vẫn có ý định tháo chạy khỏi Trung Quốc do có thể bị “dính đòn” từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Loạt xưởng lắp ráp của Apple muốn bỏ Trung Quốc
Ngày 24/9, chính quyền Mỹ đã chính thức đánh thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến cuối năm nay và đầu năm sau, mức thuế này có thể lên đến 25%.
Ngoài ra, căng thẳng vẫn chưa dừng lại khi Tổng thống Donald Trump liên tiếp đe dọa sắp tới sẽ đánh thuế lên toàn bộ hàng hóa trị giá 267 tỉ USD còn lại của Trung Quốc. Mới đây, ngày 9/10, ông đã nhắc lại lời đe dọa trên nếu chính quyền Bắc Kinh có động thái trả đũa.
Nhiều công ty chuyên gia công, lắp ráp linh kiện cho Apple muốn chuyển hoạt động sản xuất sang Đài Loan, Việt Nam, Thái Lan... Ảnh: Getty.
Một kết quả nghiên cứu mới được công bố bởi AmCham Trung Quốc và AmCham Thượng Hải cho thấy gần 2/3 tổng số 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc bị ngấm đòn bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đặc biệt, có khoảng 30% doanh nghiệp này đang cân nhắc hoặc đã chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Với nhóm ngành công nghệ cao, quá trình chuyển dịch đang diễn ra mạnh mẽ hơn cả.
AirPods, Apple Watch và HomePod là 3 sản phẩm của táo khuyết bị đưa vào danh sách 200 tỷ USD hàng Trung Quốc bị đánh thuế từ ngày 24/9. Tuy nhiên, đến phút chót, các sản phẩm này đã may mắn thoát nạn.
Để tránh rủi ro, GoerTek - hãng lắp ráp tai nghe AirPods, Cheng Uei - hãng cung cấp bộ sạc và đầu nối iPhone và Pegatron - đơn vị lắp ráp iPhone lớn thứ hai sau Foxconn, vừa tiết lộ kế hoạch ban đầu việc chuyển nhà máy sản xuất sang Đài Loan hoặc các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines.
Trước đó, Delta Electronics, công ty Đài Loan chuyên cung cấp linh kiện cho các sản phẩm iPhone và MacBook của Apple, cho biết đang mua lại Delta Electronics Thái Lan để tiếp cận tốt hơn các trung tâm sản xuất tại nước này cũng như Ấn Độ và Slovakia.
“Chúng tôi có một vài địa điểm bên ngoài Trung Quốc để mở rộng sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tạm thời nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang”, trả lời Nikkei, một quan chức của Quanta Computer chuyên sản xuất Apple Watch và MacBook, nói.
Ngay cả công ty Trung Quốc cũng 'bỏ chạy'
Từng xem quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này là một thị trường hấp dẫn để đặt nhà máy vì nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp hiện không chỉ các xưởng gia công của Apple mà hàng loạt công ty nước ngoài tại Trung Quốc đã bắt đầu tháo chạy.
Một số tập đoàn của Nhật Bản và Hàn Quốc đã có kế hoạch chọn những nhà máy tại nhiều quốc gia khác để thay thế Trung Quốc.
Để tránh tác động của hàng rào thuế quan, không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, các công ty Trung Quốc cũng phải tháo chạy. Ảnh minh họa. |
Mitsubishi Electric, công ty đa quốc gia của Nhật Bản cho biết nhà máy gia công laser và tia lửa điện của phục vụ cho Mỹ đặt tại Đại Liên (Trung Quốc) sẽ được dời về thành phố Nagoya (Nhật Bản). Quyết định này được đưa ra khi nhóm sản phẩm này nằm trong danh sách đánh thuế lên đến 25% của Mỹ.
“Chúng tôi quyết định dời một số khâu sản xuất khỏi Trung Quốc bởi ảnh hưởng của thuế quan đối với chúng tôi rất lớn”, người phát ngôn của tập đoàn Toshiba Machine (Nhật Bản) cho hay.
Tương tự Mitsubishi Electric, Toshiba Machine cũng muốn mang dây chuyền sản xuất máy ép nhựa dành xuất khẩu sang Mỹ về lại quê nhà Nhật Bản, hoặc một quốc gia thuộc Đông Nam Á.
Tập đoàn SK sẽ chuyển một số cơ sở sản xuất chip về Hàn Quốc, còn Micron Technology (Mỹ) đang tiến hành di dời một số cơ sở sản xuất chip từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác.
Không chỉ doanh nghiệp ngoại, ngay cả nhiều công ty Trung Quốc cũng chạy khỏi nước này để né đòn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng.
Theo hãng dữ liệu thương mại Panjiva, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực dệt may, nhựa, lốp xe… dịch chuyển sang nước ngoài ngày một tăng.
Một công ty sản xuất xe đạp của Trung Quốc H1 Corp đã thông báo với các nhà đầu tư chuyển dây chuyền sản xuất sang một nước Đông Nam Á.
Tương tự, công ty sản xuất lốp ôtô Linglong Tyre hiện triển khai một nhà máy trị giá 994 triệu USD ở Serbia. Doanh nghiệp này cho rằng sẽ có được tăng trưởng gián tiếp bằng cách lách hàng rào thuế quan. Trong khi đó, một số công ty khác chọn Thái Lan, Việt Nam, Myanmar hoặc một số quốc gia liền kề khác.
Các nước ASEAN đang hưởng lợi?
Giữa căng thẳng chiến tranh thương mại, hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, không đợi cuộc chiến này, theo AFP, thực tế trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng việc có thêm cơ sở sản xuất tại nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Chiến lược này mang tên “Trung Quốc + 1” khi Trung Quốc không còn quá hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi chi phí lao động và phí bảo vệ môi trường ngày một tăng.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp nước ngoài tìm các nơi đầu tư sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Vì vậy, theo truyền thông quốc tế, cuộc chiến thương mại với Mỹ thực chất “đổ thêm dầu vào lửa” cho làn sóng rời khỏi Trung Quốc. Các chuyên gia cũng dự đoán, ASEAN là một trong những thị trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thay thế Trung Quốc.
Bloomberg đánh giá ASEAN khá gần Trung Quốc, môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện trong khi chi phí sản xuất thấp, tốc độ phát triển vững chắc với 5 nền kinh tế lớn nhất có GDP tăng bình quân 5,3% mỗi năm.
“Thuế nhập khẩu mới của Mỹ giúp sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh hơn hàng Trung Quốc”, Tổng giám đốc hãng sản xuất đồ gia dụng Kangaroo - Nguyễn Thành Phương, nói trên trang này. Ông cũng dự báo đến cuối năm, doanh thu bán hàng sang Mỹ sẽ tăng 10%.
Tương tự, Koratak Weeradaecha - Giám đốc Tài chính Star Microelectronics Thailand, cũng nhận ra từ năm 2017, các đơn hàng đã tăng ít nhất 15%. Vị này cho rằng con số trên sẽ tiếp tục tăng đến cuối năm nay khi căng thẳng thương mại ngày một leo thang.
Trong khi chính phủ Thái tự tin ngành hải sản trong nước sẽ phất lên thì Malaysia cho rằng có thể hưởng lợi vì đây là nơi mà cả Mỹ và Trung Quốc muốn đầu tư, do đất nước này là điểm chuyển tiếp hàng hóa.
Bộ trưởng Tài chính - Lim Guan Eng, của Malaysia cho biết vấn đề lớn nhất hiện tại của họ là mở rộng sản xuất, ngay cả trong lĩnh vực điện tử, sản xuất thép và tự động hóa.
Trả lời phỏng vấn với Bloomberg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thủ tướng xem đây là cơ hội giúp Việt Nam củng cố các quan hệ thương mại khác và tập trung cải tổ trong nước để duy trì đà tăng trưởng trong thời kỳ biến động.