Thị trường đang dồn sự chú ý vào những diễn biến bất ngờ của cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) khi niêm yết 1,16 tỉ cổ phiếu trên sàn HoSE. Đây là thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh giảm sâu tới 23% về mức 921 điểm và đang có sự hồi phục tích cực.
Chào sàn với giá cao kỷ lục 128.000 đồng/CP, nhưng ngay phiên giao dịch đầu tiên, TCB đã "nằm sàn" giảm xuống 102.400 đồng/CP, khớp lệnh đạt hơn 2,8 triệu cổ phiếu và dư bán sàn cả triệu đơn vị. Cổ phiếu TCB đã giảm hai phiên liên tiếp xuống mức 92.000 đồng/CP, tức giảm tới 28% so với giá chào sàn. Vốn hoá thị trường của Techcombank cũng "bốc hơi" tương ứng khoảng 42 nghìn tỉ đồng. Các quỹ ngoại đầu tư vào TCB cũng đang tạm "lỗ" cả nghìn tỉ đồng…
Thị trường không có cổ phiếu xấu, mà nhà đầu tư lựa chọn tìm kiếm cổ phiếu đem lại lợi nhuận tối ưu
Đến phiên ngày 7-6 xuất hiện lực cầu mua mạnh đã nhanh chóng kéo giá TCB tăng trần lên mức 98.400 đồng/CP. Tính chung tổng khối lượng khớp lệnh 4 phiên đầu tiên đạt hơn 7,17 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt hơn 700 tỉ đồng…
So với nhóm cổ phiếu ngân hàng niêm yết, thị giá TCB hiện cao nhất, vượt xa mức đỉnh kỷ lục của các mã ngân hàng khác như: VCB (76.000 đồng/CP), VPB (70.000 đồng/CP), ACB (51.200 đồng/CP), BID (46.800 đồng/CP), CTG (38.000 đồng/CP)… Thậm chí thị giá cổ phiếu TCB cao hơn mức giá đỉnh của nhiều mã cổ phiếu tài chính lớn khác.
Giới đầu tư vẫn đang băn khoăn về giá cổ phiếu TCB liệu có đắt đỏ, hay xác định mức giá nào là hợp lý cho cổ phiếu của ngân hàng được định giá 6,5 tỉ USD này?
Hiện nay, có nhiều phương pháp định giá cổ phiếu niêm yết trên sàn, song có 3 phương pháp được sử dụng phổ biến gồm: định giá hệ số P/E (thị giá/thu nhập trên mỗi cổ phiếu), P/BV (thị giá/giá trị sổ sách mỗi cổ phần), P/C (giá cổ phiếu trên dòng tiền nhàn rỗi).
Ở đây, xem xét phương pháp cơ bản nhất là P/E cho biết số tiền mà các nhà đầu tư sẵn sàng trả cho một đơn vị lợi nhuận được ngân hàng làm ra trong một thời kỳ nhất định. Đơn cử, P/E của Vietcombank và Sacombank hiện ở mức lần lượt là 28 và 24.
Cổ phiếu Techcombank đang giao dịch với P/E ở mức 11,5-13, song căn cứ trên kết quả kinh doanh năm 2017, P/E phù hợp ở thời điểm này từ 17 đến 22. Bởi hệ số lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROA) năm 2017 đạt 2,69%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 30,71%, là hai chỉ số cho thấy hiệu quả tài chính tích cực của ngân hàng. Hơn nữa, Techcombank cũng nằm trong nhóm đầu nhà băng có chỉ số thu nhập phí ròng cao nhất 23,32%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cao tới 45%, NIM ở mức 3,9%.
Không chỉ chất lượng nguồn thu nhập tốt, mà Techcombank duy trì tốc độ tăng trưởng chỉ số thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao nhất tới 119%, vượt xa mức 61,3% của Vietcombank, cao hơn các ngân hàng được đánh giá tốt tại Ấn Độ như KOTAK 42,2%, HDFC 17,9%...
Với các chỉ số đẹp vượt mặt một số nhà băng lớn khác, cổ phiếu TCB vẫn đang giao dịch ở mức giá thấp hơn nhận định và mức độ tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh có sự bứt phá trong các năm tới.
Trước khi niêm yết, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCBS - đơn vị tư vấn lên sàn) tính toán giá trị cổ phiếu TCB ở mức 137.301 đồng/CP căn cứ vào P/E, P/B và phương pháp giá trị sổ sách. Hơn nữa, Techcombank đã bán được cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với giá bình quân 128.000 đồng/CP nên đề xuất mức giá niêm yết bằng mức giá bán cho quỹ ngoại.
Trên sàn chứng khoán, thị giá các cổ phiếu ngân hàng như VCB, ACB, HDB, CTG… được đưa ra tính toán chỉ số giá với Techcombank hiện đã giảm 30-40% so với thời điểm tháng 4 khi VCBS định giá cổ phiếu TCB. Nhưng sau khi niêm yết, giá TCB cũng được thị trường điều chỉnh lại mức phù hợp với cung cầu mua bán.
Cổ đông cũng đang chờ đợi đợt chia thưởng cổ phiếu kỷ lục 200% của Techcombank vào tháng 7 tới (tỷ lệ 1:2) sau khi được ĐHCĐ bất thường ngày 14-6 thông qua. Sau chia tách cổ phiếu, thị giá TCB sẽ tiếp tục điều chỉnh về mặt bằng giá mới quanh mức 40.000 đồng/CP, mức giá khá hấp dẫn so với VCB, ACB, HDB, MBB...
Thông thường, doanh nghiệp có sự tăng trưởng kinh doanh khả quan nhiều năm liên tiếp, chính sách cổ tức cao luôn hấp dẫn dòng tiền đầu tư, giúp kéo giá tăng mạnh trước và sau chia tách cổ phiếu. Thị trường từng ghi nhận cổ phiếu VJC tăng mạnh tới 238% so với giá sau chia tách cổ tức và thưởng, VCB tăng tới 200% sau chia cổ tức tiền mặt…
Từ năm 2015 đến nay, lợi nhuận của Techcombank liên tục tăng trưởng mạnh, đạt hơn 8.036 tỉ đồng lãi trước thuế và lãi sau thuế 6.446 tỉ đồng vào năm 2017. Dự kiến năm 2018 lợi nhuận ròng đạt hơn 8.000 tỉ đồng và đạt 11.000 tỉ đồng vào năm 2019.
Do đó, cổ phiếu ngân hàng có hiệu quả kinh doanh khả quan, cổ tức cao, P/E hấp dẫn như TCB sẽ không thể bỏ qua trong danh mục đầu tư giá trị.