Tổng Công ty Điện lực miền Nam ( EVN SPC) vừa có chỉ đạo các công ty điện lực thành viên ở 21 tỉnh, thành phía Nam tăng cường kiểm tra, bảo vệ các công trình lưới điện trước tình hình mưa bão dự báo có nhiều chuyển biến phức tạp.
Bất cẩn dễ gây tai nạn
Theo số liệu của EVN SPC, số vụ tai nạn về điện gây thương tích và chết người trên bàn EVN SPC quản lý có chiều hướng tăng cao. Trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, tại 21 tỉnh, thành miền Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau; trừ TP HCM) đã xảy ra 53 vụ tai nạn về điện, trong đó 40 vụ xảy ra năm 2019 và 13 vụ trong 6 tháng đầu năm 2020.
Số vụ tai nạn xảy ra nhiều nhất ở tỉnh Bình Dương, với 11 vụ; kế đến An Giang 8 vụ, Cà Mau 7 vụ, Bạc Liêu 5 vụ...
Các tỉnh Kiên Giang, Vĩnh Long cũng đã để xảy ra 3 vụ tai nạn về điện; còn tại Lâm Đồng, Bình Phước, Bến Tre, Sóc Trăng, mỗi địa phương có 2 vụ.
Nhân viên Điện lực Mỹ Xuyên đến từng hộ nuôi tôm tại ấp Phú Thuận, xã Thanh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng để hướng dẫn sử dụng điện an toàn trong nuôi tôm
Tại tỉnh Sóc Trăng, ngày 26-5 vừa qua, một người đàn ông trong lúc rửa xe container, sơ ý chạm tay vào vỏ mô tơ bơm nước bị rò rỉ điện nên bị điện giật gây tử vong. Một trường hợp khác xảy ra vào ngày 7-6 cũng tại Sóc Trăng, nhân viên lắp camera an ninh trong lúc bóc lớp vỏ cách điện của dây dẫn để đấu nối thiết bị, do không ngắt nguồn điện nên đã bị điện giật, bị thương nặng.
Một vụ tai nạn đau lòng cũng vừa diễn ra tại Bình Dương vào tháng 6-2020. Một hộ dân tự trồng trụ điện kéo đường dây hạ thế, thuê nhân viên xe cần cẩu dựng trụ điện 5 m. Do không quan sát, người này để cẩu chạm vào đường dây 22 kV, gây phóng điện, tử vong tại chỗ.
Báo cáo từ các công ty điện lực địa phương cho thấy hầu hết các vụ tai nạn điện xuất phất từ sự bất cẩn của con người trong quá trình xây dựng nhà ở, công trình, lắp đặt bảng hiệu quảng cáo, xe cơ giới, xe cẩu, xe cuốc, trồng cây xanh,… vi phạm hành lang an toàn lưới điện trung và cao thế.
Hạn chế thấp nhất sự cố
Ông Hồ Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có xảy ra 9 vụ tai nạn về điện gây bị thương và chết người. Phân tích nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn điện, ông Bình cho rằng bên cạnh việc người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của tai nạn điện là tình trạng cố tình vi phạm trong quá trình xây dựng nhà ở, thi công công trình, trồng cây… trong hành lang an toàn lưới điện.
Hướng dẫn người dân trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang sử dụng điện an toàn để chong đèn thanh long
Do đó, để người dân hiểu rõ hơn về an toàn điện, vừa qua, Sở Công thương tỉnh Bình Dương phối hợp với ngành điện, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương tuyên truyền về các biện pháp phòng chống tai nạn điện đối với hành lang an toàn lưới điện cao áp và các biện pháp phòng chống tai nạn điện trong dân bằng nhiều hình thức, như: lắp pano cảnh báo, thực hiện các video hướng dẫn, phát tờ rơi tuyên truyền…
Ông Nguyễn Thế Nam, Trưởng phòng An toàn Điện lực Bình Dương, khuyến cáo tai nạn điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu tình trạng vi phạm an toàn hành lang lưới điện vẫn tái diễn. Do đó, cùng với ngành điện, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Cụ thể, ngay ở cấp cơ sở, các tổ dân phố, ấp, chính quyền xã, phường cần chủ động giám sát, kiểm tra thường xuyên các công trình xây dựng nhà ở, lắp đặt bảng quảng cáo, trồng cây xanh của người dân để kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các sự cố có thể xảy ra.
Trước tình hình tai nạn điện tăng cao, EVN SPC đề nghị UBND các tỉnh, thành phía Nam có biện pháp phối hợp, yêu cầu cơ quan chuyên môn, các sở công thương chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và sử dụng điện trong dân.
Đặc biệt, trước tình hình mưa bão dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, EVN SPC chỉ đạo quyết liệt các đơn vị điện lực thành viên tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống điện và giám sát tình hình sử dụng điện của khách hàng, nhất là ở khu vực các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Đối với khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phía Nam khi gặp bất cứ sự cố điện hoặc nguy cơ có thể gây tai nạn điện nên gọi ngay Tổng đài chăm sóc khách hàng 19001006-19009000 để kịp thời giải quyết nhanh nhằm hạn chế mức thấp nhất đối với các thiệt hại về người và tài sản.
Phát hiện 886 trường hợp vi phạm
Trong năm 2019, các công ty điện lực thành viên của EVN SPC đã phối hợp với địa phương xử lý rất nhiều vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Theo đó, Điện lực các địa phương đã phát hiện 886 trường hợp vi phạm; vận động, cảnh báo ngăn chặn 545 trường hợp, lập biên bản và xử lý tại chỗ 211 vụ, chuyển cơ quan chức năng xử lý 143 vụ… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 301 triệu đồng.