Vốn là người thích chụp ảnh, anh Tiến Linh (Vĩnh Phúc) muốn bổ sung thêm ống kính để có thể chụp ảnh đẹp mùa Tết. Nhưng thay vì đi thuê như mọi khi, anh quyết định mua đứt, rồi ra Tết lại thanh lý để tiết kiệm chi phí.
"Giá thuê chiếc ống kính này mỗi ngày khoảng 200 nghìn đồng, dùng cả Tết thì phải trả gần hai triệu đồng. Năm nay tôi quyết định 'săn' hàng cũ với giá 9 triệu đồng, dùng qua Tết thanh lý với đúng giá đó và đã có người hỏi mua", anh này chia sẻ. Theo tính toán của anh Linh, việc mua đồ trước Tết và thanh lý sau Tết đã giúp anh tiết kiệm được hàng triệu đồng, trong khi tâm lý sử dụng lại thoải mái hơn do "đó là đồ của mình, không lo bị chủ hàng phạt nếu chẳng may xước xát, hỏng hóc".
Sáng mùng 6 Tết, Nguyễn Thành (Hà Nội) cũng rao bán bộ loa mới sử dụng được hơn một tuần. Bộ loa được anh mua trong chương trình giảm giá của siêu thị điện máy trước Tết, nay thanh lý với giá tương đương. "Tôi mua để gia đình và khách đến giải trí, nhưng qua Tết ai cũng bận rộn đi làm, không có thời gian sử dụng. Giờ thanh lý luôn cho được giá", Thành nói.
Các thiết bị nghe nhìn là mặt hàng được bán nhiều sau Tết. Ảnh: Candiceanddave
Nhiều người chơi công nghệ cũng chọn giải pháp này để đảm bảo có "đồ chơi Tết" mà không tốn nhiều chi phí. Trên các hội nhóm chuyên trao đổi buôn bán điện thoại, máy ảnh hay thiết bị âm thanh, ngay từ mùng 5 Tết đã có hàng chục bài đăng bán lại thiết bị với những lý do như "hết Tết thanh lý", "thanh lý lấy tiền du xuân"... Số lượng bài viết bán hàng dịp này nhiều không thua kém lượng bài đăng trong mùa mua bán trước Tết.
Ở phía người mua, đây cũng là dịp nhiều người có thể sở hữu nhiều đồ công nghệ chất lượng tốt, giá hời.
Hai năm nay, anh Ngọc Kiên (Tây Hồ, Hà Nội) thường chuẩn bị sẵn vài chục triệu đồng để "săn" đồ công nghệ sau Tết. Theo anh Kiên, những món hàng được thanh lý nhiều dịp này là điện thoại, máy ảnh, đồ âm thanh, đôi khi có cả máy chơi game, máy tính. Phần lớn chúng là những thiết bị mọi người muốn có trong nhà dịp Tết, nhưng qua Tết nhu cầu sử dụng không cao nên thanh lý.
"Có người mua về để trải nghiệm nhưng thấy không hợp nên bán, cũng có người vì chi tiêu nhiều trong dịp Tết nên phải thanh lý đồ lấy tiền. Mình mua thời điểm này dễ kiếm được những món hàng vừa ‘bóc tem’, thời gian bảo hành còn dài mà giá lại rẻ do hầu hết mọi người đều muốn thanh lý nhanh", anh Kiên chia sẻ.
So với việc mua đồ trước Tết, anh cho rằng "trước Tết, nhu cầu thị trường cao, mua hàng cũ rất dễ gặp phải hàng chất lượng kém, rồi nếu gặp sự cố cũng khó bắt đền". Còn sau Tết, người mua có nhiều thời gian chọn lựa, kiểm tra, rủi ro cũng giảm bớt.
Không ít người có nhu cầu thanh lý thiết bị ngay sau Tết. |
Mặc dù khả năng mua được những món hàng công nghệ "ngon, bổ, rẻ" trong dịp này cao hơn, theo anh Kiên, đây là hàng đã qua sử dụng nên người mua vẫn nên cẩn trọng. "Nhiều nơi rao bán với danh nghĩa người dùng thanh lý sau Tết, nhưng thực chất là 'chiêu' của cửa hàng để đẩy nốt hàng 'ế' trước Tết. Cũng có một số mặt hàng thanh lý nhưng giá lại cao hơn hàng mới, người dùng chỉ nên mua nếu có kinh nghiệm mua đồ công nghệ cũ, hoặc mua của người quen để tránh thiệt thòi", anh chia sẻ. |