Du lịch Bình Thuận mà cụ thể là Phan Thiết lâu nay chỉ quanh quẩn đồi cát vàng (Hòn Rơm), tháp Chàm Posanu (Phú Hải), núi Tà Kou (Hàm Thuận Nam)… và tắm biển. Rất nhiều người bảo quá nhàm, quanh quẩn có nhiêu đó, chán! Nhưng từ đầu 2017 đã khác, bạn đã có thêm lựa chọn thú vị là đảo Phú Quí, cù lao Câu và Phan Dũng…
Cù lao Câu nhìn từ quốc lộ 1, đoạn qua Cà Ná, như một chiến hạm đang tiến vào đất liền. Đảo nhỏ, chiều dài chưa tới 2km, chiều ngang rộng nhất chỉ 700m, cách bờ chừng 10 km; là điểm tổ chức dã ngoại đặc thù. Khách tự mang lều trại rồi nhờ chú Tư Hữu cử người nấu ăn và hướng dẫn cho đoàn. Là khu bảo tồn sinh vật biển nên thợ lặn xuống biến bắt hải sản kiểu thủ công bằng tay, món nào cũng tươi ngon điếc mũi. Trên đảo không có dân cư, chỉ có chốt bảo vệ của bộ đội. Nước ngọt khá thoải mái. Thích nhất là những bãi tắm tiên, chỉ ướt người chứ không ướt quần áo.
Phan Dũng là vùng bán sơn địa của Tuy Phong, giáp Tà Năng của Lâm Đồng là cung đường đang được dân phượt thủ rủ nhau khám phá. Bà con dân tộc Ragley chân chất, cảnh trí đẹp đến nao lòng với những cung đường để trekking và phượt như trong mơ. Đẹp nhất là cảnh đón bình minh và tiễn hoàn hôn giữa núi rừng, du khách như được hòa mình và trộn lẫn với thiên nhiên hào phóng. Rừng, suối và đồi núi đan xen hòa thuận. Hàng chục con suối nhỏ róc rách, mát rượi. Thác Yavly như một dải lụa óng ả, thả ánh bạc xuống hồ nước trong xanh, quyến rũ những lữ khách lạc bước.
Ngay tại Phan Thiết, một loạt điểm nhấn được khai trương. Đó là Forgetten Land - công viên Tượng Cát độc đáo. Chỉ rộng chưa tới 20.000 m2 nhưng các nghệ nhân - "phù thủy" tài ba đến từ 12 quốc gia (Việt Nam chưa có nghệ nhân nào làm được) đã biến hàng ngàn tấn cát đỏ thành những tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Lâu nay, cát chỉ là vật liệu xây dựng khi có chất kết dính. Tự thân cát không thể tạo thành hình khối, nói chi việc tạc tượng.
Kiến trúc châu Âu ở Forgotten Land, công trình có thời gian thực hiện lâu nhất 45 ngày. Ảnh NVM
Vậy mà như có phép màu, các đôi tay tài hoa đã biến những khối cát vô trì thành những cụm tượng cực kỳ sống động, tinh xảo tới từng chi tiết nhỏ. Các nghệ nhân đều lao động độc lập, thường mất gần 2 tuần mới hoàn thành tác phẩm. Cá biệt, có tác phẩm phải mất vài tháng trời. Nét độc đáo của các tác phẩm, có khi đơn chiều, có khi đa chiều là những câu chuyện dân gian, thần thoại của Việt Nam và thế giới. Tính truyền thống được hiện đại hóa một cách tinh tế theo phong cách của từng tác giả.
Trích đoạn trong Fishman Show. Ảnh - Kinh Luân.
Ấn tượng nhất là Fishman Show - Huyền thoại làng chài. Sau nửa năm thể nghiệm, huyền thoại làng Chài được xem là show hoành tráng nhất hiện nay. Ngoài các xuất diễn vào buổi tối, Fishman Show có xuất vào sáng Chủ nhật.
Thầy Thích Huệ Tánh và các nhà báo với bộ kinh Pháp Hoa. Ảnh NVM.
Bánh xèo quán Phượng (vì có cây phượng vỹ bên cạnh ở đường Tôn Đức Thắng) cũng đã thành đặc sản Phan Thiết. Bánh xèo đổ bằng khuôn đất, đường kính chừng 15 cm. Nhìn bề ngoài có vẻ mộc mà ăn với rau thơm như húng, quế thì bá cháy; đặc biệt là món nước chấm.
Khâu khó nhất của món đặc sản này, ngoài bí quyết nước chấm là khâu chọn tôm và mực sao cho tươi ngon và vừa đủ theo từng bánh…Trước đây, quán chỉ bán từ 16 giờ đến tối, khách du lịch muốn ăn phải đi nhóm và xếp hàng. Nay quán nhận phục vụ khách đoàn nhưng phải đặt trước vài ngày và số lượng cũng 50 - 70 người độ lại.
Du lịch Bình Thuận không còn nhàm chán nữa đâu các bạn.