Trong một buổi chiều, sân trường dày kín chỗ, Trần Uyên Phương, Phó TGĐ Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát bắt đầu những chia sẻ bằng một nụ cười rạng rỡ trước khoảng 2.000 học sinh THPT tại Hà Nội.
Diễn giả, doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ giữa hàng ngàn học sinh THPT tại Hà Nội.
Đó không đơn thuần là một câu chuyện kinh doanh về Tân Hiệp Phát lỗ lãi ra sao, bán được bao nhiêu hàng hay đi lên vị trí đứng đầu trong ngành đồ uống giải khát tại Việt Nam như thế nào.
Đó là những chia sẻ dành cho những ai muốn theo đuổi giấc mơ của mình, và muốn hiểu thêm về nữ doanh nhân ngoài 30 tuổi, đang gánh trên vai tương lai của một doanh nghiệp Việt giá trị tỉ USD.
"Sếp Thanh" - người tiếp lửa cho Trần Uyên Phương
Vượt qua định kiến về những cậu ấm cô chiêu "ngậm thìa vàng" sinh ra trong một gia đình có nền tảng kinh tế, Trần Uyên Phương đã dành trọn thanh xuân của mình cho tương lai của cả tập đoàn gia đình, gánh trên vai trách nhiệm không hề nhỏ khi đặt mục tiêu đưa thương hiệu Việt vươn tầm châu Á.
Trần Uyên Phương từng chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một doanh nghiệp gia đình để trở thành một nữ doanh nhân, chứ không phải là một nghệ sỹ. Tôi trân quý nề nếp kỷ luật khắt khe của bố tôi và cả lòng quyết tâm của ông ấy trong việc nuôi dưỡng một nhà lãnh đạo, chứ không chỉ là một người con gái. Tôi thực sự là một cô gái may mắn".
Các em học sinh có cơ hội được giao lưu, trao đổi với nữ doanh nhân nổi tiếng để giải đáp các thắc mắc về hành trang cần chuẩn bị trước ngưỡng cửa vào đời
Xuất phát điểm trong một gia đình phải có trách nhiệm làm sao để làm tốt nhất cho Tập đoàn, cô mong đợi mình phải làm tốt hơn nữa. Tuy nhiên, mặt trái của sự kỳ vọng đó khiến chính bản thân cô cảm thấy mình chưa đủ tốt và chưa có đủ kiến thức.
Cô chia sẻ: "Trải qua càng nhiều việc, làm càng nhiều và phải đưa ra quyết định càng nhiều, đó là lúc xây dựng được sự tự tin. Tôi nghĩ không có gì hơn việc càng làm, càng học và biến kiến thức thực sự là sở hữu của mình cho đến khi mình trải nghiệm trên thực tế."
Trong cuộc nói chuyện, người phụ nữ thường gọi người cha của mình là "sếp Thanh" hay "CEO của tôi".
Các em học sinh chăm chú theo dõi buổi giao lưu
"Tôi nghĩ tôi luôn luôn khởi nghiệp"
Khi hỏi về ý định khởi nghiệp hay làm riêng một điều dành cho mình, Uyên Phương cho biết: "Tôi thì nghĩ tôi luôn luôn khởi nghiệp. Đó là những lúc thực hiện mỗi ý tưởng mới, mỗi dự án mới. Tôi thích các ý tưởng, thích đưa ra những điều để tạo ra kết quả khác. Muốn tạo ra kết quả khác, đương nhiên chúng ta phải làm khác đi. Trong thời buổi hiện nay, thói quen cũng như hành vi của người tiêu dùng thay đổi rất nhiều, vì vậy Tân Hiệp Phát không ngừng cải tiến – những dự án mới, những sự triển khai phù hợp với công nghệ".
Và trực tiếp đặt câu hỏi, trao đổi với nữ doanh nhân Trần Uyên Phương.
Trước đó, có lần Uyên Phương từng chia sẻ: "Tôi muốn làm cái gì đó của riêng mình, quán cà phê cũng được miễn là của tôi. Nhất định phải làm một cái gì đó, nếu không thì cuộc đời mình chưa trọn vẹn chẳng hạn. Nhưng giờ tư duy đó không còn nữa".
Nếu như mình có hai mục tiêu, thì không thể làm tốt bằng một người có một ngày 24 tiếng và họ dồn hết 24 tiếng này cho một mục tiêu. Khi nghiệm ra điều đó, chị quyết định tập trung vào một mục tiêu để tạo ra kết quả tốt nhất.
Chị chia sẻ trong cuộc sống nhiều khi chúng ta sợ, đặc biệt chúng ta sợ đám đông. Hay chúng ta thấy người khác đã làm và nghĩ mình sẽ không làm nữa, đó chính là rào cản khiến bản thân thất bại. Hãy dám mơ lớn và quyết tâm thực hiện ước mơ ấy.
"Không có công thức chung nào cho sự thành công nào cả. Theo một thống kê, 95% startup trong thất bại trong 5 năm đầu tiên. Điều duy nhất tôi nhìn thấy là chúng ta nỗ lực học hỏi, chúng ta có ước mơ, hiện thực hoá và không bỏ cuộc và thành công sẽ đến".
Có câu nói rằng người ta vẫn thường quan tâm khi họ thành công, còn những lúc thất bại đâu có ai để ý. Và câu chuyện mà nữ doanh nhân này trong cuốn sách "Vượt lên gã khổng lồ" là những câu chuyện bao gồm cả thành công và thất bại. Chị khẳng định tất cả những gì có được hôm nay, hay những người thành công khác đều học được từ thất bại".
Nói về thị trường của Tân Hiệp Phát, sản phẩm của nhà Dr. Thanh đã có mặt ở khoảng 20 quốc gia từ nhiều năm. Trong đó có những thị trường đặc biệt khó tính như Canada, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Singapore…
Bất cứ doanh nghiệp khi đi ra thị trường, họ đều phải thử khẩu vị của thị trường. Khi Mc Donald’s đến Việt Nam, ngoài những sản phẩm chung họ có dòng sản phẩm phục vụ theo lựa chọn cho người dân Việt. Đó cũng chính là cách mà Tân Hiệp Phát sẽ bước ra thị trường nước ngoài.
Kể về một ngày làm việc của mình, như hôm nay, một ngày của chị bắt đầu từ 4h sáng. "Tôi nghĩ nếu chúng ta đam mê, chúng ta không cảm thấy áp lực. Mặc dù trong những ngày tăng tốc, một ngày tôi chỉ ngủ ba tiếng thôi, nhưng vẫn tràn đầy năng lượng. Tôi cảm thấy những việc tôi làm là có giá trị và ý nghĩa". Chị cười.
"Hãy dám mơ lớn và quyết tâm thực hiện ước mơ ấy", diễn giả, doanh nhân Trần Uyên Phương nhấn mạnh với các em học sinh THPT.
Bên cạnh những trao đổi gần gũi của nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, những diễn giả có mặt cũng đã có những chia sẻ dành cho những ai đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời và mong muốn theo đuổi giấc mơ của mình.
Đại sứ thương hiệu của Nước tăng lực Number 1, chị Vũ Phương Thanh, cô gái đã hoàn thành chặng đường 1.000 km đi trên sa mạc cũng đã có những chia sẻ của cá nhân. Ở tuổi 24, đang làm việc ở Bloomberg Sinapore trong lĩnh vực tài chính, cô quyết định dành thời gian để nhìn lại, trải nghiệm những điều thử thách bản thân.
Cô nói rằng, có hai thứ được khắc trên bất kỳ bia mộ mỗi người - đó là con số năm sinh và năm mất. Nhưng điều làm nên sự khác biệt của mỗi người là hành trình của bản thân trong những thời gian đó. Cô muốn sống một cuộc đời của chính mình.
Kể về chặng đường chinh phục 1.000 km sa mạc, cô nói rằng: "Đã có những lúc tôi thấy đau quá và gục ngã… Nhưng sau đó tôi nhớ lại lý do mình bắt đầu, và tiếp tục đứng dậy".