Hiện tượng trên đồng loạt xảy ra từ ngày 10-2 đến nay ở hai vùng trồng cam chủ lực của Hà Giang. Thống kê đến hết ngày 12-2, huyện Bắc Quang mất trắng 7.000 tấn cam sành, Quang Bình thiệt hại 1.300 tấn. Tỷ lệ cam sành bị rụng gần 34% so với số lượng cam còn trên cây. Hiện cam tiếp tục rụng.
Cam đang mùa thu hoạch rụng kín vườn. Ảnh: Thái Mạc.
Vườn cam 71 ha của ông Trần Trung Thuyết (thôn Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang) rụng liên tục suốt bốn ngày qua. Những quả cam chín vàng, to hơn nắm tay phủ chồng lên nhau, kín gốc, dọc lối vào vườn. Nhiều cây chỉ còn trơ cuống, lá và quả xanh. |
300 tấn cam "rụng gần như sạch sẽ" khiến chủ vườn mất trắng gần 5 tỷ đồng. Ông còn phải thuê người thu gom quả rụng, đào hố chôn và dùng vôi xử lý với giá 250.000 đồng một ngày công. Nếu không, nước cam ngấm vào đất làm cây thối rễ khi nắng lên và phải thay mới. Trước khi sự cố xảy ra, ông Thuyết đã bán được khoảng 100 tấn cho các siêu thị với giá 16.000 đồng mỗi cân.
Số cam rụng đều đã chín, đang thu hoạch. Ảnh: Thái Mạc. |
Ông Thuyết nhận định cam rụng do thời tiết xấu kéo dài từ sau Tết đến nay. Từ 10 – 13/2, trời liên tục mưa, có lúc xuất hiện sương muối. "Nước mưa rất lạ, dính vào da, mắt rất xót, có thể chứa axit". Chiều mùng một Tết, khu vực này đã hứng một trận mưa đá kéo dài ba tiếng đồng hồ. Trận mưa khiến chủ vườn lo lắng bởi cam đã bắt đầu chín, dễ tổn thương. Với kinh nghiệm 25 năm làm vườn, ông dự đoán cam sẽ rụng, chỉ là rụng ít hay nhiều vì vỏ đã bị vỡ túi dầu và tác động dần đến múi, "nhưng không ngờ lại rụng đồng loạt, không có cách nào vớt vát". |
"Bao nhiêu tiền của rơi hết xuống đất rồi", anh Tho Văn Líu, chủ vườn cam khác trong xã Vĩnh Phúc mếu máo.
Tiếng "lịch bịch" vang liên tiếp như cứa vào gan ruột người trồng cam. 50 tấn quả trong vườn đã rụng và hiện tiếp tục rơi. Bốn hôm trước, vợ chồng anh lên đồi trồng cam và không đứng vững trước cảnh tượng xảy ra. Anh Líu đã đổ hơn 400 triệu đồng vào 3 ha cam, trong đó có 200 triệu đồng đi vay ngân hàng.
Quả chín rụng dọc lối đi, nhiều cây chỉ còn trơ cành lá Ảnh: Thái Mạc. |
Ông Giang Đức Hiệp, Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang cho biết cam rụng rụng lác đác từ ngày 6/2, rụng ồ ạt từ ngày 10 – 13/2 và dự đoán "những ngày sau sẽ còn rụng tiếp". |
Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang đánh giá nguyên nhân sơ bộ do mưa kéo dài từ ngày 28/1 đến 11/2, kèm theo sương muối, thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam sốc nước. Kiểm tra thấy một số quả trên cây bị rạn vỏ, nấm mốc khiến cam thối và rụng. "Thời tiết ấm lên, chu kỳ xuân hoá của cây bắt đầu, cây tự điều chỉnh sinh lý, huy động dinh dưỡng nên dễ rụng quả", một nguyên nhân khác được nêu.
"Cam rụng gây thiệt hại lớn đến kinh tế chủ vườn bởi đây là nguồn thu nhập chính, các hộ khó tái đầu tư sản xuất, trong đó có nhiều hộ phải vay vốn", ông Hiệp thông tin.
Cam sành nhiều năm qua trở thành cây trồng chủ lực của Hà Giang. Huyện Bắc Quang có diện tích trồng lớn nhất toàn tỉnh với gần 4,6 nghìn ha. Mùa thu hoạch cam sành thường diễn ra từ cuối tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau. Nhưng thời tiết năm ngoái không thuận, đầu năm nay mưa nhiều, cam chín muộn hơn nên các nhà vườn lùi lại sau Tết mới hái. Hiện tượng cam rụng hàng loạt xảy ra vào chính vụ thu hoạch.