Sự phát triển của hình thức nhượng quyền đang mở ra cơ hội kinh doanh cho không ít chuỗi cửa hàng cà phê và các chủ đầu tư. Lâu nay để nhượng quyền một thương hiệu cà phê, người kinh doanh phải bỏ ra một khoản chi phí khá lớn , có khi lên tới hàng chục tỉ đồng . Song gần đây, một số hãng cà phê tung ra chương trình nhượng quyền với phí 0 đồng.
Nhượng quyền từ tiền tỉ đến 0 đồng
Để mở một quán cà phê nhượng quyền ở phân khúc cao cấp Highlands Coffee, người kinh doanh phải bỏ ra chi phí đầu tư ban đầu lẫn phí nhượng quyền 3,5-5 tỉ đồng. Với phân khúc tầm trung như chuỗi Viva Star Coffee, chi phí đầu tư ban đầu hết 1,3-1,8 tỉ đồng và phí nhượng quyền được tính theo năm năm với số tiền 286 triệu đồng. Nhìn chung với những mô hình quán cà phê cao cấp và trung cấp, do chi phí đầu tư ban đầu lẫn phí nhượng quyền cao nên phải 1,5-2 năm mới có thể hoàn vốn.
Trong khi đó các phân khúc bình dân lại đang được nhiều người kinh doanh lựa chọn bởi chi phí ban đầu bỏ ra ít, thu hồi vốn nhanh (trên dưới một năm), phù hợp với khả năng của nhiều người. Đơn cử như với Milano, người kinh doanh chỉ cần bỏ ra chi phí ban đầu khoảng 185-300 triệu đồng là có một mô hình nhượng quyền mà không phải trả phí quản lý. Kèm theo đó, phí nhượng quyền cũng nhẹ nhàng. Ví dụ, phí nhượng quyền trong hai năm đầu là 5,5 triệu đồng; từ năm thứ ba trở đi, phí nhượng quyền tăng lên khoảng 13 triệu đồng. Có lẽ vì chi phí bỏ ra ít mà sau tám năm kể từ 2011 đến nay, Milano sở hữu đến 1.400 cửa hàng tại 52 tỉnh, thành.
Đáng chú ý, đứng trước cuộc chiến khốc liệt của thị trường cà phê, mới đây Trung Nguyên Legend cho ra một loạt chuỗi cửa hàng cà phê bán lẻ theo mô hình nhượng quyền E-Coffee với phí nhượng quyền và quản lý là 0 đồng. Mô hình này đã tạo ra một làn sóng bùng nổ mạnh mẽ với tốc độ đăng ký mở mới từ các đối tác nhượng quyền.
Theo bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Trung Nguyên Legend, mô hình mới này giúp cà phê của hãng tiếp cận nhiều hơn với đối tượng khách hàng có mức thu nhập trung bình, thấp, vốn là đối tượng của các quán cà phê truyền thống nhỏ lẻ.
Đại diện Trung Nguyên cũng tự tin rằng mô hình này sẽ tối ưu hóa cho mọi địa điểm: Cao ốc văn phòng, nhà hàng, khách sạn, trạm metro, sân bay, bến xe, chợ, các cửa hàng tiện lợi, trường học, bệnh viện, trạm dừng chân… Từ đó việc mở rộng thương hiệu sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Nhượng quyền là một trong những cách nhanh nhất để mở rộng độ phủ số lượng quán cà phê. Ảnh: THU HÀ
Lời, lỗ định đoạt bằng lượng khách hàng
Anh Lê Quang Hiếu, người có hơn một năm kinh doanh cà phê theo mô hình nhượng quyền của hai thương hiệu Viva Star và E-Coffee tại Vũng Tàu, chia sẻ hình thức nhượng quyền đem lại nhiều lợi ích cho người kinh doanh. “Việc nhượng quyền thương hiệu từ một hãng uy tín sẽ cung cấp cho người kinh doanh nền tảng thương hiệu, độ tin cậy từ người tiêu dùng cũng như cung cấp công thức pha chế, quản lý cửa hàng” - anh Hiếu bày tỏ.
Anh Minh, một chủ quán cà phê ở Tân Bình, TP.HCM, cũng cho hay so với hình thức nhượng quyền, việc tự mở và kinh doanh cà phê sẽ gặp nhiều trở ngại hơn như người bán phải tự dự đoán thị trường, phân khúc phục vụ; tự tìm nguồn nguyên liệu, công thức pha chế và xây dựng hình ảnh. Song việc nhượng quyền cũng mang lại nhiều rủi ro cho người kinh doanh. Chẳng hạn các chi phí bỏ ra không được phép chiếm quá 80% doanh thu, tức tỉ suất lợi nhuận tối thiểu 20%.
“Đấy là chưa kể nếu như thương hiệu cà phê mình nhượng quyền xảy ra các tranh chấp pháp lý hoặc vấn đề an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cơ sở nhượng quyền” - anh Minh nói.
Không phải cứ 0 đồng là thành công
Đánh giá về hình thức nhượng quyền 0 đồng, chuyên gia thương hiệu Lý Trường Chiến cho rằng nhìn chung trong cạnh tranh hình thức hạ giá hoặc khuyến mãi 0 đồng nhằm tạo sự chú ý, đem lại hiệu quả kinh tế nhanh chóng. Tuy vậy, mô hình này không được nhiều doanh nghiệp áp dụng lâu dài và thông thường các ông lớn ít sử dụng chiêu thức này.
Cũng theo ông Chiến, phương thức này chỉ phù hợp với những cửa hàng có phân khúc bình dân hoặc mô hình cà phê mang đi, bởi chỉ khi đó chuỗi cà phê mới tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, khi phân khúc tầm trung và cao cấp ngày càng chật hẹp thì nhóm bình dân, người có thu nhập thấp là đối tượng tiềm năng. Ở nhóm này, thị trường khá lớn, lại dễ phục vụ nên nếu xây dựng mô hình đúng gu, giá hấp dẫn thì lợi nhuận khá lớn vì chi phí đầu tư không cao.
Đồng quan điểm, song một chuyên gia kinh tế cho rằng điểm yếu lớn nhất trong kinh doanh nhượng quyền của doanh nghiệp Việt Nam là sự hiểu biết và kinh nghiệm hạn chế. Cùng với đó là tư duy ngắn hạn, chỉ muốn kiếm lời thật nhanh; xây dựng hệ thống phân phối phần lớn để bán hàng nhanh mà ít chú ý đến chất lượng, xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư vào hình thức nhượng quyền là tay ngang, kiến thức chuyên môn về quản lý chưa vững. Hệ quả là sự gãy đổ cả ở bên bán và bên mua thương hiệu. Trên thực tế, thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc chia tay về mô hình cà phê nhượng quyền như Gloria Jean’s Coffees, chuỗi cà phê NYDC… do kinh doanh không đạt hiệu quả.
“Không phải cứ đầu tư vào thương hiệu 0 đồng là sẽ thành công, lợi ích ban đầu luôn đi kèm rủi ro sau đó. Nếu như không định vị được đặc điểm khách hàng, thị trường thì dù kinh doanh sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng đến đâu cũng có nguy cơ bị thất bại” - vị chuyên gia trên bày tỏ.
Chia sẻ cả thịnh vượng lẫn rủi ro
Trên thực tế, nhượng quyền cà phê là một trong những phương thức nhanh nhất giúp các thương hiệu mở rộng độ phủ mà không cần đầu tư quá nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, để làm được điều này bản thân người tạo lập thương hiệu phải thực sự thành công. Bởi đây là mô hình win-win (hai bên cùng có lợi), đồng thời phải chia sẻ sự thịnh vượng và cả rủi ro trong kinh doanh.
Chuyên gia thương hiệu LÝ TRƯỜNG CHIẾN
Thị trường cà phê trị giá hàng tỉ USD
Theo một nghiên cứu của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, giá trị bán lẻ của thị trường cà phê và quán bia năm 2018 tại Việt Nam ước đạt hơn 88.000 tỉ đồng, tăng 6% so với năm trước. Theo đó giá trị bán lẻ được tạo ra bởi hơn 30.180 điểm bán trên cả nước.
Dự báo năm nay giá trị thị trường đạt khoảng 90.040 tỉ đồng. Trong đó, các quán bia và cà phê vỉa hè đóng góp hơn 78.820 tỉ đồng, tương đương 3,3 tỉ USD.
Thị trường này sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng kép 6% về giá trị và đạt khoảng 32.400 điểm bán vào năm 2023. Đặc biệt mô hình chuỗi cà phê vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao.