Dẫu có giỏi đến đâu, không gì có thể đảm bảo một người sẽ đạt hiệu suất cao nhất với tài năng bản thân. Ngành khoa học về tiềm năng con người thường cho rằng, dù bạn thông minh, hiểu biết và có kinh nghiệm ra sao, nhìn chung vẫn có sự khác biệt giữa những gì bạn có thể làm và những gì bạn thường làm.
Đây là một trong những lý do khiến các nỗ lực nhận biết tài năng gặp thất bại. Khi các nhà tuyển dụng tập trung quá nhiều vào tiềm năng của ứng viên – điều tốt nhất ứng viên có thể làm – họ lại không xem xét điều ứng viên cảm thấy thực sự có thể làm khi bắt tay vào việc, đặc biệt là hiệu suất cá nhân.
Sự thật là hầu hết nhân viên thậm chí không bận tâm đến việc cố gắng hết sức khi đã làm việc được hơn sáu tháng. Dù có nhiều lý do cho việc này, nhưng đây là 4 nguyên nhân phổ biến và cách giải quyết chúng.
Nơi làm không hợp
Tài năng chính là tính cách cá nhân ở đúng chỗ. Điều này giải thích hầu hết mọi người sẽ làm tốt hơn trong một số công việc, văn hóa và bối cảnh so với những người khác. Sự phù hợp với công việc được đo bằng cách định lượng mức độ liên kết giữa thái độ, giá trị, khả năng và cách xử lý của một người, với đặc điểm của công việc, vai trò và tổ chức.
Vấn đề là ngay khi các công ty đánh giá ứng viên chính xác, họ lại không giỏi trong việc đánh giá vai trò, đặc biệt là văn hóa trong chính công ty. Điều này tác động đến nhận thức của ứng viên, nơi họ có thể mất một thời gian để thực sự trải nghiệm và hiểu vị trí này đòi hỏi những gì ở họ.
Với người xin việc, cần tìm hiểu cẩn thận về công ty sắp vào làm, đảm bảo hiểu rõ công việc để tránh bất ngờ. Hãy hỏi chi tiết với người phỏng vấn bạn, trò chuyện với nhân viên và tìm hiểu xem liệu bạn có nhiều điểm chung với những nhân viên đang có năng suất cao ở cùng vị trí hay tương tự không.
Buông lỏng quản lý
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến việc buông lỏng là khả năng lãnh đạo kém. Sự rối loạn trong việc quản lý, đặc biệt là ở nam giới, không chỉ giải thích lý do rất nhiều người làm việc kém hiệu quả, mà còn khiến các nhân viên tài năng và nổi trội nghỉ việc.
Giải pháp cho việc này không đơn giản. Bạn không thể đột ngột quyết định thay đổi sếp của mình. Nhưng cũng có vài cách để tác động nhằm cải thiện sự tích cực và xoay chiều hiệu suất của bạn.
Ví dụ, dành thời gian nghiên cứu và học hỏi sẽ khiến công việc trở nên ý nghĩa hơn. Giao tiếp với đồng nghiệp và duy trì các mối quan hệ trong công việc cũng tạo nên động lực. Cuối cùng trò chuyện với sếp về việc mất động lực. Có thể họ không biết và sẵn lòng giúp bạn, đặc biệt nếu họ coi trọng tài năng của bạn.
Nội bộ phức tạp
Dù văn phòng hiện đại thường công bằng và minh bạch hơn trước rất nhiều thì đây đó vẫn còn vấn đề cần cải thiện. Các nhà lãnh đạo danh nghiệp có thể phấn khởi với ý nghĩ công ty họ là thỏi nam châm thu hút nhân tài. Nhưng thực tế, ngay cả khi họ có thể lôi kéo được người giỏi về thì những nhân viên đó sẽ phải học cách thích nghi với môi trường có khi rất phức tạp trong công ty đó.
Văn hóa của một tổ chức càng bị "ô nhiễm và hủy hoại" thì các cá thể ký sinh sẽ càng tăng, giống như vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường ô nhiễm. Bạn sẽ nhận thấy điều này trong bất kỳ tổ chức nào, khi có khoảng cách giữa thành công trong sự nghiệp của các cá nhân so với năng lực thực tế của họ.
Bạn có thể đối phó bằng cách có nhận thức về môi trường làm việc và thích ứng, nhưng không "đánh mất linh hồn". Trong mọi trường hợp, thật ngây thơ khi cho rằng tài năng sẽ tự chứng minh tất cả. Trên thực tế thì càng tài năng, bạn sẽ càng có nhiều người đố kỵ, nhất là trong các tổ chức có nội bộ thiếu lành mạnh.
Và nếu khó thay đổi mọi thứ thì cách tốt nhất là thay đổi công việc, hay ít nhất là thay đổi phòng ban. Hãy lưu ý rằng, dù trong mọi công ty đều có một nền "chính trị nội bộ" riêng nhưng vài công ty sẽ phức tạp hơn công ty khác.
Hoàn cảnh cá nhân
Trong thời đại công việc ngày càng lôi cuốn và bận rộn như hiện nay, rất dễ quên mất mọi người còn có cuộc sống riêng. Và cho dù họ có gắn bó và tài năng đến đâu thì những hạn chế và khó khăn cá nhân thường sẽ cản trở thành công trong sự nghiệp.
Đây cũng là lý do có nhiều cuộc thảo luận về việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Những người sếp tốt và những ông chủ tốt sẽ muốn tìm hiểu hoàn cảnh của bạn. Họ sẽ quan tâm đến việc hỗ trợ bạn đối phó chúng để bạn có thể làm việc phù hợp với tài năng, cảm thấy biết ơn và gắn bó với họ lâu dài.
Tóm lại, bạn cần tối ưu hóa công việc để phù hợp với sở thích, niềm tin và các hoạt động trong toàn bộ cuộc sống. Đồng thời, cảnh giác với những yếu tố xã hội vô hình có thể chi phối động lực của tổ chức, giúp bạn thể hiện tốt nhất khả năng của mình.