Hạt giống bí ngô tí hon được các vườn ươm nhập về Việt Nam từ năm 2014 và từng lên cơn sốt về giống hạt. Tuy nhiên, phần lớn giới chơi cây cảnh mua về trồng đều thất bại vì không nắm rõ quy trình chăm sóc. Có những nhà vườn ở Đà Lạt cho biết họ chăm bón đến khi cây cho ra hoa nhưng đều không đậu quả vì khí hậu thất thường.
Bí ngô tí hon vừa được thu hoạch tại trang trại LangBiang. Ảnh: NVCC.
Chị Thái Thu Đào, Tổng giám đốc Công ty cổ phần LangBiang, là người đầu tiên thành công với giống bí ngô tí hon. Mới đầu chị chỉ định trồng để thu hút khách du lịch tới tham quan chụp ảnh. Tuy nhiên, khách đến thăm quan thường muốn mua trái về sử dụng và phản hồi khá tích cực. Đồng thời, nhiều thực khách đề nghị nhân rộng để bán thương phẩm nên chị quyết tâm tìm ra bí quyết để "thuần phục" chúng thành công.
Từ 250 cây giống ban đầu, chị tiếp tục trồng thêm 400 cây và đang nhân rộng lên khoảng trên 10.000 cây tại Lạc Dương (Lâm Đồng). Hiện, trang trại trồng bí ngô tí hon của chị mỗi tuần cho sản lượng 100 kg nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
"Ngoài các khách sạn năm sao, một vài hệ thống siêu thị ở TP HCM cũng đã đặt hàng. Chúng tôi không đủ cung cấp vì số cây trồng thêm sang tháng mới vào vụ thu hoạch", chị Đào nói.
Ngoài bán bí ngô tí hon tươi với giá 35.000 - 45.000 đồng một trái (tùy kích cỡ), chị Đào còn chế biến sản phẩm bí ngô với nhiều biến tấu như bí ngô hấp sữa tươi, rau câu hay bí ngô hấp hồng trà hạt sen tươi. Loại hấp chín hầu như bán "cháy hàng" cho khách lẻ, có ngày lượng bán ra hàng trăm trái.
Hiện, một kg bí ngô tí hon sẽ dao động trong khoảng 3-5 trái (tùy kích cỡ). Như vậy, một kg bí ngô tí hon có giá gần 200.000 đồng.
Chị Đào bắt tay trồng giống này từ cuối năm 2018. Chị mua hạt giống Sakata xuất xứ từ Nhật Bản được một công ty giống tại Đà Lạt nhập về, tỷ lệ nảy mầm khoảng 70%, thời gian ra trái dài ngày hơn so với bí thông thường, kéo dài 4-6 tháng.
Bí ngô tí hon trên dàn cao tại LangBiang. Ảnh: NVCC.
Vì trồng trong nhà kính nên năng suất tại trang trại của chị thường thấp vì bị bệnh thối bông, phấn trắng... Đến khi ngọn đã bò dài khoảng 50 – 60 cm thì thả dây vấn cành treo thẳng đứng. Từ mặt đất lên khoảng 2 m, chị căng lưới cước mắt to làm giàn leo cho bí. Nhổ sạch cỏ, rạch hàng cách gốc 20 cm. Mùa mưa, để giúp cho trái bí không tiếp xúc với đất ẩm lâu ngày dễ gây thối trái, chị kê trái lên cao khỏi mặt đất.
Để giống bí này sạch, theo phương pháp hữu cơ, trồng thành công trong nhà kính, theo chị Đào chi phí đầu tư cao gấp nhiều lần so với thông thường. Trong đó, giá giống, chi phí cho công chăm sóc cũng gấp 3-4 lần. Thay vì chỉ chăm sóc 3-4 lần một vụ như bí thông thường thì loại này phải chăm sóc và để ý hằng ngày từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch.
Hiện ngoài việc tự chăm sóc, chị Đào còn cùng với nông dân ở Lâm Đồng phát triển diện tích để đáp ứng nguồn cung của thị trường ngày càng lớn. Ngoài ra, đối với các hộ trồng bí ngô tí hon riêng lẻ, chị Đào vẫn thu mua nhưng số lượng cung ứng cho thị trường vẫn còn thấp.
Theo người dân địa phương, khi thấy thị trường có dấu hiệu tích cực và có đầu ra hợp lý, họ sẽ nhân rộng sản phẩm này khi được doanh nghiệp hỗ trợ. Đây cũng là giống mới lạ tạo sự đa dạng cho thị trường.
Bí ngô nhỏ mini được biết đến với tên gọi Pumpkin Casperita, Baby Boo pumkins hay Miniture Pumkins. Kích thước quả chỉ để vừa lòng bàn tay, khi quả chín có màu trắng, vàng, xanh, kem, cam... Chúng nhỏ bé nhưng thành phần dinh dưỡng cao, cung cấp vitamin A, B-complex, C, E, và kali, magiê, canxi, mangan, sắt, kẽm, đồng, folate, chất xơ,...