Tết năm ngoái, Phạm Vân (Hà Nội) dự định mua Innova thay cho chiếc Innova khác đã cũ, để anh em trong công ty gia đình sử dụng đi khách tỉnh. Nhưng tình hình kinh doanh đi ngang nên bà chủ công ty buôn thiết bị vệ sinh quyết định hoãn kế hoạch. Một năm sau, tháng 12/2019, Vân không phải nghĩ ngợi nhiều mà quyết định xuống tiền, vì chiếc MPV đã giảm giả 100 triệu.
Không chỉ một mình Innova hay các mẫu xe của Toyota, khắp thị trường xe hơi Việt đều giảm giá từ hàng chục tới hàng trăm triệu. Ở cỡ nhỏ, i10, Morning giảm 30-40 triệu, lên cỡ B - mẫu xe luôn đặt giá cao như Vios cũng giảm 70-80 triệu và tới xe sang giảm 300 triệu như BMW do Trường Hải phân phối.
Năm 2018, khi VinFast giới thiệu những mẫu xe đầu tiên cũng như những kế hoạch đẩy mạnh sản xuất của Trường Hải và Thành Công, ngành ôtô Việt Nam đã xác định rõ hướng đi: ưu tiên lắp ráp và sản xuất, theo định hướng của Chính phủ. Xe lắp ráp trở thành "con cưng", trong khi xe nhập khẩu là "con nhà hàng xóm", khiến các hãng xe quay cuồng với bài toán phân bổ lại cơ cấu sản phẩm. Một giai đoạn mới cho ôtô Việt Nam bắt đầu từ 2019, với khúc dạo đầu "giảm giá".
Toyota Innova trưng bày tại một showroom ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Thành Nhạn
Khách hàng được hưởng lợi khi các hãng tìm cách chiếm thị phần và đẩy hàng khi nguồn cung ổn định. Một sếp hãng xe Nhật cho biết, nguồn cung dồi dào và mục tiêu cạnh tranh chiếm thị phần khiến giá xe ồ ạt giảm.
Sau một năm 2018 tăng trưởng khiêm tốn 5,8% so với 2017, nhiều thành viên VAMA tự tin đặt mục tiêu cao cho năm 2019, tăng hàng chục %, nhưng thực tế khách hàng không mua ồ ạt như vậy. Vị này đánh giá việc đặt sai kỳ vọng đã khiến các hãng phải tìm cách đẩy hàng tồn bằng việc giảm giá. Một nguồn tin của VnExpress cho biết, Toyota đặt mục tiêu bán hơn 80.000 xe, và hết 11 tháng mới hoàn thành hơn 70.000 xe. Nếu muốn hoàn thành mục tiêu, tháng 12 hãng phải bán 10.000 xe, trong khi thực tế mức trung bình hàng tháng khoảng 6.400 xe.
Nguồn cung xe nhập khẩu sau 11 tháng là 133.700 chiếc về nước, gấp đôi năm 2018 . Thái Lan và Indonesia vẫn là hai nguồn bán buôn ôtô lớn nhất cho Việt Nam. Ở mảng xe con, những mẫu xe nhập khẩu có doanh số lớn nhất là Xpander, Fortuner, Ranger đều xuống tàu từ các cảng ở hai đất nước Đông Nam Á.
Nguồn cung xe lắp ráp cũng ổn định. Toàn VAMA đến hết tháng 11 bán gần 170.000 xe lắp ráp, trong khi ra khỏi dây chuyền gần 161.000 chiếc, tức khoảng 95%. Chưa kể xe lắp ráp tồn lũy kế từ năm ngoái, như vậy nguồn cung không thiếu hụt.
Sức phát triển mạnh của xe nhập khẩu thể hiện rõ trong cơ cấu doanh số. Chỉ tính riêng VAMA, tính hết tháng 11, doanh số xe nhập khẩu tăng tới 98%, tức gần gấp đôi năm ngoái, trong khi xe lắp ráp giảm 13%. Tuy vậy, nếu tính chung thị trường, phần giảm này được Hyundai (không thuộc VAMA) bù đắp, bởi hãng này 99% lắp ráp.
Nguồn cung dồi dào, nhưng việc thắt chặt tín dụng, kiểm soát lãi suất cho vay khiến khách hàng khó mua xe hơn, mức độ hào hứng giảm nên thị trường trở nên thừa cung. Nếu không áp dụng các bài toán giảm giá, hãng không có chỗ lưu kho xe tồn, đại lý không thể xoay vòng vốn cho những đợt nhập hàng mới.
Bên cạnh ổn định nguồn cung, áp lực từ các đối thủ cũng khiến giảm giá sâu. Hồi đầu năm, những cái tên như Fortuner, Santa Fe, CR-V bán chênh so với giá niêm yết, nhưng sau đó giảm dần vì vấp phải sự cạnh tranh của những Ford Everest, Hyundai Tucson. Hay như Vios, lo ngại để Xpander vượt mặt trong cuộc đua vị trí quán quân tại Việt Nam, cùng hơi nóng mà City và Accent phả lên khiến đại lý Toyota đồng loạt giảm giá 70-80 triệu nhiều tháng liền cho mẫu sedan cỡ B.
Sự xuất hiện của các mẫu xe mới cũng khiến thị trường thêm chật chội, tăng áp lực lên mỗi hãng. Trong 2019, thị trường cũng chào đón thêm nhiều mẫu xe mới như Honda Brio, Kia Soluto, Mazda CX-8, Suzuki Ertiga. Ở mảng xe sang có thêm Mercedes GLC300, Volvo XC40, Audi Q3...
VinFast Fadil trưng bày trong một trung tâm thương mại ở Hà Nội. Ảnh: Đức Huy |
Sự xuất hiện của "hiện tượng" VinFast cũng góp phần tạo áp lực khiến các đối thủ giảm giá. Hãng cho khách hàng thêm lựa chọn ở cỡ A với Fadil. Trong khi đó, Lux A và SA ở tầm trên một tỷ, nơi lượng bán thấp hơn nhưng cũng khá nhiều mẫu xe, giao thoa giữa phổ thông và hạng sang. |
2019 là năm cả ba mẫu xe đầu tiên của VinFast cùng tới tay khách hàng. Sự khởi đầu này ít nhiều khiến các hãng liên doanh phải dè chừng. "Chúng tôi luôn theo sát những bước đi của họ", sếp một hãng liên doanh cho biết.
Sang 2020, hãng xe Việt dự định ra mắt 7 mẫu xe phổ thông - phân khúc được đánh giá là trọng tâm chính giúp VinFast kiếm doanh số. Với định hướng sản xuất của Chính phủ, những mẫu xe này có triển vọng giảm giá để tăng tính cạnh tranh, khi có thêm những chính sách hỗ trợ mới.
Tính cạnh tranh càng khốc liệt giữa các hàng càng khiến khách hàng vừa ý, bởi cơ hội tiếp cận và sở hữu ôtô rõ ràng hơn. Phạm Vân sẽ không chỉ đổi xe cho công ty mà đổi cả xe cá nhân. Thay vì hai xe máy, những gia đình nhỏ có thể chọn chiếc ôtô cỡ A khoảng hơn 300 triệu hoặc rẻ hơn nữa. Giai đoạn mới của ngành ôtô Việt Nam khó thành nếu không gắn với một thị trường trong nước đủ mạnh, chuyên gia nhận xét.