Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan về tình hình xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam trong nửa đầu tháng 2, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt gần 5,89 tỉ USD, giảm 15,9% so với nửa cuối tháng 1. Tính từ đầu năm đến ngày 15-2, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 20,2 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu dệt may, da giày sụt giảm
Các mặt hàng xuất khẩu có sự biến động khá mạnh trong nửa đầu tháng 2, như điện thoại các loại và linh kiện tăng 16,6%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13,8%, xơ, sợi dệt các loại tăng 44,8%... Trong khi đó, hàng dệt may giảm rất mạnh với 53,4%, tương ứng giảm 625 triệu USD, giày dép các loại giảm 29,3%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 44,3%, túi xách, ví, vali, mũ, dù giảm 57,4%...
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã hồi phục sau sự cố Galaxy Note 7 của Tập đoàn Samsung. Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng nhìn nhận sự cố này không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhóm hàng điện thoại và linh kiện do Samsung đã ra các dòng sản phẩm khác để bù đắp. Trong 3 tháng cuối năm 2016, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện vẫn tăng so với cùng kỳ và nâng mức kim ngạch mặt hàng này cả năm lên 34,5 tỉ USD, tăng 28% so với năm trước. Dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng mức tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện sẽ chậm lại trong những năm tới.
Trước đó, trong tháng đầu năm 2017, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hàng dệt may, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm từ gỗ cũng có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các doanh nghiệp, đơn hàng xuất khẩu dệt may trong quý I/2017 có nhưng không dồi dào và nhiều sự lựa chọn như trước khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Dệt may Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như Campuchia, Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar.
Bị cạnh tranh gay gắt từ nhiều thị trường
Với mặt hàng giày dép, theo số liệu của Tổng cục Hải quan thống kê trong nhiều năm qua cho thấy chu kỳ xuất khẩu của giày dép thường bắt đầu tăng trưởng vào quý II và đạt mức tăng cao nhất vào quý III hằng năm. Trong năm 2016, xuất khẩu hàng giày dép đạt trung bình 1,08 tỉ USD/tháng. Tuy nhiên, ngoài yếu tố sụt giảm theo mùa, các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép cũng đang bị cạnh tranh mạnh từ các nước như Campuchia, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ... Một số nước áp dụng chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm thu hút đơn hàng, khách hàng để tăng sức cạnh tranh và gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Theo các chuyên gia đến từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam sẽ có lợi thế trong thời gian tới khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - EU có hiệu lực. Dù chi phí nhân công ở Việt Nam đã tăng khá mạnh trong thời gian qua nhưng so với các nước trong khu vực vẫn khá cạnh tranh. Dệt may và da giày được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu khi thuế suất giảm dần về 0%.
Ông Bill Watson - Tổng Giám đốc Coats Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc - cho biết nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành dệt may, da giày đã chuẩn bị đầu tư nhà xưởng, máy móc cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đến giờ, dù TPP đã ngừng lại nhưng việc chuẩn bị tốt của doanh nghiệp ngành dệt may, da giày sẽ thuận lợi để tận dụng cơ hội, lợi thế khi FTA Việt Nam - EU được triển khai. Hiện xu hướng dịch chuyển các nhà máy sản xuất giày dép từ Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng lợi từ các FTA vẫn đang diễn ra. EU hiện là một trong những thị trường nhập khẩu các sản phẩm dệt may, da giày chính của Việt Nam.