Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy 8 tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm đáng kể cả về khối lượng và giá trị. Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu từ cả thị trường truyền thống cũng như các thị trường mới đều giảm. Theo đó, xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm đạt khoảng 3,37 triệu tấn, với kim ngạch 1,51 tỉ USD, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trúng hợp đồng xuất khẩu nhưng giá lúa không tăng
Mới đây, Việt Nam và Thái Lan trúng thầu xuất khẩu gạo sang Philippines với số lượng 250.000 tấn, thời gian giao hàng trong tháng 9 và 10-2016. Trong đó, Việt Nam trúng thầu với khối lượng 150.000 tấn. Thông thường mỗi lần Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gạo thì giá lúa gạo trong nước sẽ tăng theo. Tuy nhiên, đợt trúng thầu này không làm ảnh hưởng đến giá thu mua lúa gạo trong nước, thậm chí giá lúa ở một số nơi còn giảm nhẹ.
Sở dĩ có tình trạng trên, theo ông Huỳnh Thế Năng là do lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu còn khá nhiều, nên việc trúng thầu vừa qua cũng không khuyến khích DN tăng mua vào. Được biết, hiện các DN tồn khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó có khoảng 1,1 triệu tấn gạo từ hợp đồng thương mại chưa giao hàng. Trừ số lượng này cũng còn 200.000 tấn đáp ứng đợt trúng thầu với Philippines kỳ này. Do đó, các DN xuất khẩu gạo cũng chưa vội thu mua, nên giá lúa gạo trong nước không được hưởng lợi từ đợt trúng thầu này.
Tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm giảm là do Indonesia khẳng định không có ý định nhập khẩu gạo trong năm 2016 do lượng gạo dự trữ vẫn bảo đảm. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 21,6% về khối lượng và giảm 11,9% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo sang các thi ̣trường truyền thống khác cũng giảm mạnh là Philippines (66,4%), Malaysia (54,5%), Singapore (36,3%) và Mỹ (37,6%). Trung Quốc thời gian qua tiếp tục quản lý chặt nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Hiện nước này chưa công nhận công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam, khiến việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn.
Trông chờ vào thị trường Philippines
Ông Huỳnh Thế Năng cho biết thời gian qua, Malaysia chỉ mua 70.000 tấn gạo, sắp tới họ thông báo ngưng nhập khẩu. Indonesia thiếu khoảng 2 triệu tấn nhưng họ cũng công bố không nhập khẩu. Trung Quốc giảm nhập khẩu tiểu ngạch... Gần đây, có thêm một số nước xuất khẩu gạo mới dẫn đến cạnh tranh hơn...
Được biết năm 2014, Việt Nam xuất bán sang Mỹ 70.000 tấn, đến năm 2015 còn 44.000 tấn. Thị trường EU, năm 2014 xuất bán được 24.000 tấn, năm 2015 còn 20.000 tấn, còn tại thị trường Nhật Bản không bán được tấn nào tính từ năm 2013 đến nay.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trông chờ vào thị trường Philippines. Chính phủ Phillippines đã có kế hoạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, trong đó sẽ nhập khẩu ngay 250.000 tấn, nhập tiếp 250.000 tấn trong quý III/2016. Sau đó, 500.000 tấn gạo còn lại sẽ được nhập khẩu cho năm 2017. Ngày 1-9 vừa qua, Phillippines đã mở thầu 250.000 tấn gạo đầu tiên, Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 150.000 tấn gạo cho Philippines sẽ được giao trong tháng 9 và tháng 10. Việc trúng thầu này có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vì trong gần 6 tháng qua không xuất hiện các hợp động xuất khẩu gạo lớn.
Bộ NN-PTNT đã ký Nghị định thư về gạo và cám với Trung Quốc, tháng 11-2016 sẽ đón đoàn khảo nghiệm Trung Quốc sang khảo sát. Về việc khai thác thị trường châu Phi, dự kiến cuối tháng 9-2016, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cử đoàn đi Ghana để xúc tiến bán gạo. Để tăng xuất khẩu, gạo Việt Nam cần có nhiều thương hiệu mạnh. Trong tháng 9 này, ban chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo sẽ họp để thông qua lần đầu về tiêu chuẩn gạo Việt Nam, chương trình chọn logo và chọn một vài DN do Hiệp hội Lương thực Việt Nam giới thiệu để xây dựng thương hiệu. Sau khi hoàn thành tiêu chuẩn gạo Việt Nam sẽ áp dụng cho một số DN được chọn cũng như gắn logo thương hiệu gạo Việt Nam.