Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ngày 3-1 đã chính thức đăng ký giao dịch 1.227.533.778 cổ phiếu trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán là HVN, giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu hàng không duy nhất trên sàn
Ngay trong ngày chào sàn UPCoM, cổ phiếu HVN đã tăng kịch trần lên 39.200 đồng/cổ phiếu, với lượng dư mua giá trần hơn 1,17 triệu cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đã lên tới hơn 48.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 2,15 tỉ USD).
Như vậy tính đến thời điểm này, HVN là cổ phiếu hàng không đầu tiên và duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, chiếm khoảng 11% tổng mức vốn hóa thị trường UPCoM, đóng góp lượng cổ phiếu đứng thứ 2 xét về quy mô và giá trị.
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines, cho biết đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với tổng công ty, đáp ứng mong đợi của các cổ đông và góp phần bổ sung hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam. “Là hãng hàng không Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, Vietnam Airlines mang đến thị trường mã chứng khoán của một doanh nghiệp liên tục duy trì tăng trưởng trong hơn 20 năm hoạt động với chỉ số tài chính đều vượt kế hoạch ở mức cao. Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng là 1 trong số 3 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đầu tiên đã tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, là tập đoàn sở hữu hãng hàng không 5 sao ANA của Nhật Bản với cam kết đồng hành cùng Vietnam Airlines trong quá trình phát triển, hợp tác khai thác mạng đường bay và hỗ trợ nâng cao quản trị doanh nghiệp, hứa hẹn mang đến những đột phá vượt bậc trong dài hạn của tổng công ty” - ông Phạm Ngọc Minh nói.
Lợi nhuận “khủng”
Ngay trước phiên giao dịch đầu tiên tại sàn UPCoM, Vietnam Airlines đã công bố mức lợi nhuận khủng lên tới 1.600 tỉ đồng, gấp 5,6 lần so với năm 2015.
Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76.000 tỉ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỉ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm. Trong đó, Vietnam Airlines ước đạt gần 59.100 tỉ đồng tổng doanh thu và gần 1.600 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 5,6 lần so với năm 2015. Nộp ngân sách nhà nước gần 4.900 tỉ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ.
Đây cũng là năm ghi dấu ấn của Vietnam Airlines với thành tựu nổi bật của việc hoàn thành quá trình cổ phần hóa. Theo đó, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng hợp tác với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tập đoàn hàng không ANA Holdings Inc. Sự tham gia của đối tác Nhật Bản vào hoạt động điều hành là một lợi thế giúp Vietnam Airlines có thể nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng bay và tăng cường năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa kế hoạch dài hạn để phát triển bền vững trong tương lai. Hãng đã tiếp nhận và đưa vào khai thác 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliners và 6 máy bay Airbus A350-900 XWB nhằm đáp ứng chất lượng dịch vụ trên đường bay nội địa trọng điểm và đường bay dài. Sau năm đầu tiên, Vietnam Airlines được đánh giá là một trong những hãng khai thác thành công nhất đội bay thế hệ mới.
Bằng việc bố trí, sắp xếp lại nguồn lực hợp lý giữa các hãng hàng không như Jetstar Pacific, VASCO, Vietnam Airlines đã thiết lập được mạng bay phù hợp với từng loại hình dịch vụ và nhu cầu, do đó góp phần tăng hiệu quả khai thác, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Theo số liệu mới nhất của CAPA, trên đường bay trọng điểm và lớn nhất tại Việt Nam là đường bay giữa Hà Nội và TP HCM, thị phần của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đạt 63%, riêng Vietnam Airlines đạt 45% và dẫn đầu về số ghế cung ứng trên thị trường. Thị phần trên toàn thị trường nội địa đạt trên 60%.
Năm 2016, Vietnam Airlines thực hiện hơn 133.000 chuyến bay an toàn; vận chuyển 20,6 triệu lượt khách, tăng 18,7% so với cùng kỳ và 264.000 tấn hàng hóa, vượt gần 10% kế hoạch năm.