Gia nhập thị trường chỉ với 3 máy bay đầu tiên, đến nay đội bay của Vietjet đã lên đến hơn 40 chiếc. Hãng cho biết đã có sự chuẩn bị rất chu đáo để không gặp khó khăn về nguồn nhân lực.
Phi công có hơn 30 quốc tịch
Đại diện Vietjet cho biết yêu cầu tiên quyết đối với một hãng hàng không trong kế hoạch phát triển đội bay là kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực tương ứng. Do đó, hãng luôn có kế hoạch cụ thể về tuyển dụng, đào tạo theo từng tháng. Nhân lực của VietJet chủ yếu thuộc chuyên ngành hàng không như cán bộ quản lý, phi công, thợ kỹ thuật tàu bay, nhân viên điều phái bay, nhân viên phục vụ mặt đất, tiếp viên hàng không... được tuyển dụng và đào tạo trong nước và từ nước ngoài. Ngoài nguồn nhân lực đã có sẵn kinh nghiệm hàng không, Vietjet còn tuyển dụng đầu vào từ các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo chuyên ngành hàng không khác trong và ngoài nước. Số nhân viên này sẽ được hãng tiếp tục đào tạo theo các tiêu chuẩn của ngành hàng không tại trung tâm đào tạo của Vietjet trước khi tham gia vào dây chuyền khai thác.
Mục tiêu của VietJet Air là trở thành tập đoàn hàng không đa quốc gia, có mạng bay rộng khắp khu vực và thế giới. Vì vậy, nguồn nhân lực của Vietjet được tuyển chọn từ hơn 30 quốc gia khác nhau, đáp ứng đầy đủ về năng lực và kinh nghiệm chuyên ngành hàng không (đặc biệt là lực lượng phi công, kỹ sư sửa chữa tàu bay, nhân viên điều phái bay, tiếp viên). Trên cơ sở nền tảng văn hóa công ty lành mạnh, lực lượng lao động người nước ngoài cùng với lực lượng người Việt Nam tạo nên một môi trường lao động chuyên nghiệp, quốc tế và hiệu suất cao. Đó chính là một trong những giá trị cốt lõi góp phần bảo đảm sự phát triển của Vietjet trong gần 5 năm qua.
Đối với đội ngũ phi công, Vietjet hiện có khoảng 22% phi công Việt Nam, số còn lại đến từ hơn 30 quốc gia khác trên thế giới. Với mục tiêu xây dựng Vietjet thành hãng hàng không đa quốc gia toàn cầu nên việc có nhiều nhân viên người nước ngoài (phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật) là phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của Vietjet.
Đẩy mạnh đào tạo trong nước
Với khả năng tự đào tạo, Vietjet hoàn toàn đáp ứng tốt kế hoạch phát triển đội máy bay của Vietjet trong thời gian qua cũng như trong những năm tiếp theo.
Vietjet hiện đang có trung tâm đào tạo được nhà chức trách phê chuẩn đáp ứng nhu cầu đào tạo tại chỗ cho phi công, tiếp viên, nhân viên điều hành bay, nhân viên kỹ thuật, nhân viên khai thác mặt đất kỹ thuật. Bên cạnh đó, chương trình hợp tác với Airbus xây dựng Học viện Vietjet được trang bị Simulator đi vào hoạt động từ cuối năm 2017 sẽ góp phần nâng cao hơn nữa năng lực và hiệu quả đào tạo phi công của Vietjet.
Trước lo ngại của dư luận về khả năng thiếu hụt nhân sự của các hãng hàng không nội địa, Vietjet cho biết: “Thực tế minh chứng trong giai đoạn phát triển của Vietjet từ năm 2012 đến nay, chúng tôi hướng tới môi trường quốc tế hóa nên có chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ nhân lực bản xứ không vượt quá những chỉ số nhất định”. Trung bình mỗi tháng, hãng hàng không này nhận 1 máy bay và cần chuẩn bị 10 phi công, 18 tiếp viên cho máy bay A320 và 23 tiếp viên cho máy bay A321. Từ đầu năm 2016 đến nay, hãng đã nhận được gần 600 đơn ứng viên phi công, trên 3.000 hồ sơ tiếp viên. “Nghề phi công, tiếp viên có thời gian đào tạo ngắn, trung bình phi công khoảng 2 năm, tiếp viên 3-6 tháng là đã có thể đi bay. Trong khi đó đào tạo 1 bác sĩ mất 6-8 năm, đào tạo 1 giáo viên mất 3-5 năm mà thu nhập nhân viên hàng không lại hấp dẫn cho nên vấn đề thiếu hụt phi công thực tế chúng tôi thấy không phải như dư luận đang quan ngại” - lãnh đạo Vietjet đánh giá.
Vietjet cho biết thêm trong ngắn hạn, để thu hút được nguồn nhân lực ngành hàng không, Vietjet hoàn toàn không phụ thuộc nguồn trong nước. Những đất nước như Singapore, Emirates với dân số chỉ 5-7 triệu người mà vẫn phát triển đội máy bay lớn gấp 3-4 lần của Việt Nam, do họ không phụ thuộc vào nguồn lao động hàng không trong nước. Trong khi đó, dân số Việt Nam đang tiến tới 100 triệu người, giới trẻ khát khao những nghề nghiệp tốt như hàng không. Chính sách, chế độ của Vietjet theo các mặt bằng quốc tế giống như Singapore Airlines, Emirates và không phân biệt người Việt hay người đến từ các nước ASEAN, EU, Mỹ... Hằng năm, Phòng Nhân sự của Vietjet đều tham gia khảo sát về lương của các hãng hàng không trong khu vực và thế giới để có cơ chế trả lương phù hợp với điều kiện của Việt Nam và mặt bằng quốc tế.
Giải pháp dài hạn
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực của Công ty VietJet. Tiếp tục duy trì chiến lược đầu tư xây dựng văn hoá công ty và môi trường lao động chuyên nghiệp, mang tính quốc tế cao.
Đổi mới công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực Vietjet, hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và chất lượng cao. Tăng cường nguồn vốn và cơ sở vật chất cho trung tâm đào tạo. Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện của Trung tâm đào tạo Vietjet để trở thành học viện hàng không có tầm trong khu vực.